SSI ước tính kết quả kinh doanh quý III của 33 công ty trong phạm vi nghiên cứu, theo đó có 19 công ty dự kiến có tăng trưởng lợi nhuận dương và 14 công ty sụt giảm.
Các doanh nghiệp có kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận dương gồm:
Nhóm ngân hàng: Á Châu (ACB), HDBank (HDB), Quân đội (MBB), Sacombank (STB), Techcombank (TCB), Vietcombank (VCB), Vietinbank (CTG).
Nhóm vật liệu xây dựng: Nhựa Bình Minh (BMP),Hoà Phát (HPG),Viglacera (VGC).
Nhóm dầu khí: Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR),Petrolimex (PLX), Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVD).
Nhóm thực phẩm: Đường Quảng Ngãi (QNS), Vinamilk (VNM) và một vài doanh nghiệp khác là Công trình Viettel (CTR), Trang thiết bị Y tế Bình Định (DBD), FPT (FPT), Gemadept (GMD), và Bưu chính Viettel (VTP).
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có ước tính sụt giảm lợi nhuận gồm: BIDV (BID), Hoá chất Đức Giang (DGC), Thế giới số (DGW), Cao su Đà Nẵng (DRC), Xếp dỡ Hải An (HAH), ngân hàng Hàng Hải Việt Nam (MSB),Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2),Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (POW),Tổng Công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVT), Sợi Thế Kỷ (STK), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPB), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB),Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB).
Về phía tăng trưởng, HPG được dự báo có sự bứt phá nhất với ước tính lợi nhuận ròng đạt 2.100 tỷ đồng, so với quý trước tăng khoảng 60% và phục hồi đáng kể so với mức lỗ 1.800 tỷ đồng trong quý III/2022, nhờ sản lượng tiêu thụ tăng 11% so với quý trước và giá than giảm. Tuy vậy, lợi nhuận trong quý 4 của công ty có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi nguyên liệu đầu vào tăng.
Tăng trưởng mạnh còn có hai doanh nghiệp thuộc ngành dầu khí là BSR và PLX. SSI dự phóng trong quý III lợi nhuận ròng của BSR đạt 3.000 tỷ đồng, con số này tăng gấp đôi so với quý trước và cũng tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ vào sản lượng tiêu thụ tăng 8%, giá dầu tăng cũng như chênh lệch giá crack (chênh lệch giữa dầu thô và sản phẩm) trong quý gần đây.
Còn PLX được kỳ vọng đạt 1.700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý III, so với cùng kỳ năm 2022 tăng hơn 5 lần và 60% so với quý trước, nhờ vào khả năng ghi nhận khoản thu nhập bất thường từ việc thoái vốn khỏi PGB, cũng như kết quả kinh doanh cốt lõi tăng lên nhờ sản lượng tiêu thụ ổn định và giá xăng dầu tăng trong tháng 7 và tháng 8/2023.
Các doanh nghiệp được dự báo tăng trưởng lợi nhuận đáng kể so với cùng kỳ gồm: VGC (83%), VTP (70%), STB (57-63%), QNS (56%), CTG (20-22%). Các doanh nghiệp còn lại được dự báo tăng trưởng dưới 20%, VNM thấp nhất (4-7%).
Ở chiều giảm, theo SSI dự phóng NT2 và POW sẽ lỗ. NT2 có thể lỗ từ 110 - 130 tỷ đồng (so với khoản lãi 199 tỷ đồng trong quý III/2022). Nguyên nhân là do công ty tiến hành đại tu (từ 7/9 đến tháng 10), mức độ hạn chế trong việc tham gia thị trường điện cạnh tranh (CGM), gặp sự cố kỹ thuật ở tổ máy ST4 vào tháng 8 khiến tổ máy này phải ngừng hoạt động trong 1 tuần.
Còn trong quý III lợi nhuận trước thuế của POW có thể âm khoảng 50 tỷ đồng (so với khoản lãi 224 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái). Điều này chủ yếu do sản lượng tiêu thụ giảm so với cùng kỳ từ nhà máy Cà Mau (nhà máy Cà Mau 2 đại tu), Nhơn Trạch 1 (ít tham gia thị trường phát điện cạnh tranh), NT2 (đại tu, sự cố kỹ thuật của máy phát điện ST4), Hủa Na (hạn chế sản xuất để tích nước trở lại), các nhà máy điện Đakdrinh (đại tu tổ máy H2).
Ngoài ra, các doanh nghiệp được dự báo lợi nhuận giảm đáng kể khác gồm: HAH (-50%), STK (-40%), DRC (-38%), DGC (-34%), TPB (-25-32%), VPB (-27%), DGW (-26%).
HAH được dự báo lợi nhuận sau thuế công ty mẹ trong quý III đạt 100 tỷ đồng. Mức giảm mạnh so với cùng kỳ do giá cho thuê tàu định hạn và giá cước giao ngay trong nước thấp hơn, cùng với chi phí lãi vay cao.
STK được dự báo lợi nhuận đạt 30 tỷ đồng (giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 20% so với quý trước), nguyên nhân là do tốc độ phục hồi đơn hàng tại thị trường Mỹ và EU chậm hơn kỳ vọng.
Lợi nhuận ròng của DGC được dự phóng giảm 34% so với cùng kỳ (xuống mức hơn 1.000 tỷ đồng). So với quý trước, mức lợi nhuận này cải thiện 13%, nhờ vào sự phục hồi giá bán trung bình của phốt pho vàng và các mặt hàng liên quan đến phốt pho.
Còn với DGW, lợi nhuận ròng quý III dự kiến đạt 100 tỷ đồng (giảm 26% so với cùng kỳ) nguyên nhân là nhu cầu về sản phẩm công nghệ thông tin yếu. Tuy vậy, mức lợi nhuận này đã cải thiện so với quý trước (nhờ doanh thu máy tính xách tay cao hơn trong mùa tựu trường).
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6947918465267850/?