Nhật ·
1 năm trước
 6622

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Nhiều điểm mới về bảo vệ môi trường

Ngày 27/11, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận ở hội trường về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Đáng chú ý lần này, dự thảo tiếp tục kế thừa một số quy định của Luật Thủ đô 2012 và bổ sung nhiều quy định mới về bảo vệ môi trường.

Xây dựng Thủ đô xanh, sạch đẹp 

Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 15-NQ/TW) xác định nhiệm vụ cho giải pháp về bảo vệ môi trường là "tạo chuyển biến rõ nét trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới xây dựng Thủ đô xanh, sạch, đẹp, phát triển bền vững; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí; xử lý cơ bản ô nhiễm môi trường nước các hệ thống sông, hồ; hoàn thành cải tạo môi trường Sông Nhuệ - Sông Đáy, sông Tô Lịch; các chương trình chống úng, ngập; hạ tầng xử lý rác thải, nước thải, cây xanh đô thị... theo quy hoạch".

Mục tiêu bảo vệ môi trường Hà Nội được Đảng bộ Thành phố Hà Nội đề ra tại Nghị quyết số 11-NQ/TU của Thành uỷ Hà Nội về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

Để thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã kế thừa một số quy định tại Điều 14 của Luật Thủ đô 2012 về bảo vệ môi trường nhưng sửa đổi, bổ sung cho phù hợp như quy định tại Điều 29. Đặc biệt dự thảo quan tâm nhiều đến vấn đề xử lý chất thải gây ô nhiễm môi trường. 

Cụ thể quy định di dời cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường kéo dài hoặc thâm dụng lao động, cơ sở y tế có nguy cơ truyền nhiễm, lây nhiễm cao ra khỏi khu vực nội đô lịch sử, đô thị trung tâm. 

Nghiêm cấm lấn chiếm, gây ô nhiễm sông, suối, hồ, ao, đầm, công viên, vườn hoa, khu vực công cộng; chặt phá rừng, cây xanh trái phép; xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường; sử dụng diện tích công viên, vườn hoa công cộng sai chức năng, mục đích.

Đồng thời, chính sách về bảo vệ môi trường còn được thể hiện ở các điều khoản về Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số: Lĩnh vực trọng điểm về KHCN của Thủ đô bao gồm công nghệ môi trường, giảm phát thải các-bon, ứng phó với BĐKH(khoản 1 Điều 25); về Thu hút nhà đầu tư chiến lược (điểm a, khoản 1 Điều 44): Xử lý ô nhiễm môi trường các dòng sông thuộc danh mục dự án trọng điểm của Thủ đô để thu hút nhà đầu tư chiến lược; Về Ưu đãi đầu tư (điểm e, khoản 1 Điều 45)Ưu đãi đầu tư đối với Dự án sử dụng CNC, tiên tiến trong lĩnh vực moi trường, ứng phó BĐKH, xử lý chất thải, nước thải, dự án phát triển làng nghề truyền thống. Các quy định này cùng với Điều 29 tạo thành hệ thống giải pháp tổng thể về bảo vệ môi trường Thủ đô.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Nhiều điểm mới về bảo vệ môi trường - Ảnh 1
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều điểm mới về bảo vệ môi trường. 

Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất các biện pháp hỗ trợ cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch và lộ trình thực hiện; thu mua, đổi phương tiện giao thông cũ sang phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch để giảm ô nhiễm môi trường; đầu tư phát triển phương tiện giao thông công cộng kết hợp lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân để hạn chế ùn tắc giao thông, giảm phát thải". 

Hà Nội khẳng định sẽ có các biện pháp mạnh hơn để có thể giảm phát thải nhựa, như quy định hạn chế sử dụng bao gói nilon, nhựa khi mua hàng. Những biện pháp mạnh có thể sẽ tác động được vào ý thức của người dân, doanh nghiệp trong việc giảm phát thải nhựa trên địa bàn Thủ đô…

Phân vùng môi trường 

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định HĐND thành phố Hà Nội quy định, vùng phát thải thấp và các biện pháp cần thiết kèm theo để bảo đảm phát triển bền vững.

Cụ thể theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP, các khu dân cư tập trung ở đô thị bao gồm khu vực nội thành, nội thị của những đô thị đặc biệt (trong đó có Thủ đô Hà Nội) là Vùng bảo vệ nghiêm ngặt và khu vực vùng đệm của Vùng bảo vệ nghiêm ngặt là Vùng hạn chế phát thải. 

Yêu cầu về bảo vệ môi trường theo các phân vùng môi trường trên là phải đáp ứng yêu cầu về quy chuẩn kỹ thuật về nước thải, khí thải quy định giá trị giới hạn cho phép của những chất ô nhiễm phù hợp với yêu cầu bảo vệ của phân vùng môi trường đối với vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải, bảo đảm không gây tác động xấu đến sự sống và phát triển bình thường của con người, sinh vật.

Để hoàn thành các mục mục tiêu trên, Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tăng cường, bổ sung nhiều biện pháp nhằm khuyến khích đầu tư đối với lĩnh vực, phương thức sản xuất, kinh doanh dịch vụ có mức độ phát thải thấp trên địa bàn Thủ đô; Khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông có mức độ phát thải thấp (như đường sắt đô thị, xe điện, xe sử dụng năng lượng sạch, có mức độ phát thải thấp…). 

Nguồn: Kinh tế Môi trường