Hồ Hằng ·
1 năm trước
 6640

Đứng trước nguy cơ phá sản, hàng loạt nhà máy điện sạch "cầu cứu" Thủ tướng

Mới đây, 36 nhà đầu tư đã cùng ký tên trong một đề nghị gửi tới Thủ tướng Chính phủ về khắc phục những bất cập trong cơ chế giá phát điện cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp.

Đã hoàn thành nhưng vẫn nằm chờ bán điện

Mới đây, trong văn bản gửi tới Thủ tướng, các nhà đầu tư cho biết trong những năm qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19, có 84 dự án điện tái tạo với công suất khoảng 4.676,62 MW đã bị chậm tiến độ vận hành thương mại so với kế hoạch (các dự án chuyển tiếp).

Và trong số các dự án chuyển tiếp này, hiện nay có 34 dự án (bao gồm 28 dự án điện gió và 6 dự án điện mặt trời), với tổng công suất phát điện 2.090,97 MW, đã hoàn thành đầu tư xây dựng nhà máy, vượt qua giai đoạn thử nghiệm, đủ điều kiện phát điện lên lưới, nhưng các nhà đầu tư phải nằm chờ cơ chế giá phát điện - cơ sở để nhà đầu tư các nhà máy và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thỏa thuận giá mua bán điện.

36 nhà đầu tư đã cùng ký tên trong một đề nghị gửi tới Thủ tướng Chính phủ về khắc phục những bất cập trong cơ chế giá phát điện cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp

Các nhà đầu tư dự án cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, 6 nhà máy điện mặt trời đã nằm chờ cơ chế hơn 26 tháng, và 28 nhà máy điện gió phải nằm chờ cơ chế khoảng 16 tháng.

Tổng vốn đầu tư 34 dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành nhưng không bán được điện lên hệ thống điện quốc gia theo tính toán của các nhà đầu tư lên tới khoảng 85.000 tỉ đồng, trong đó có 58.000 tỉ đồng là vốn vay ngân hàng.

Vì vậy, các nhà đầu tư dự án cho biết đang phải đối mặt với nguy cơ vỡ phương án tài chính dự án, nợ xấu doanh nghiệp gia tăng, ngân hàng khó thu hồi vốn.

Còn nhiều bất cập trong cơ chế

Các nhà đầu tư cũng chỉ ra các điểm chưa phù hợp trong việc ban hành cơ chế giá phát điện cho các dự án chuyển tiếp. Cụ thể, việc giao cho EVN/EPTC làm công tác xác định giá và sử dụng kết quả đề xuất chưa qua tham vấn với bên tư vấn độc lập là chưa phù hợp với thực tiễn.

Bên cạnh đó, cơ chế giá phát điện cho dự án điện mặt trời áp dụng từ ngày 1/1/2021 và dự án điện gió áp dụng từ 1/11/2021 chưa được Bộ Công Thương đề xuất, trình Thủ tướng Chính Phủ xem xét và quyết định theo quy định tại Quyết định 13 và Quyết định 39. Cũng qua rà soát lại các căn cứ ban hành Quyết định 21, các nhà đầu tư thấy rằng không có tham chiếu nào đề cập tới văn bản chỉ đạo, phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về nội dung này.

Phương pháp tính toán của EVN cũng được cho là có nhiều điểm chưa phù hợp trong việc sử dụng tổng mức đầu tư của dự án không bao gồm 10% chi phí dự phòng để tính khung giá điện; biện giải các giá trị trung bình năm bình quân của các nhà máy điện mặt trời dựa trên khu vực có cường độ bức xạ cao nhất; viện dẫn sản lượng giao nhận bình quân của các nhà máy điện gió mà không tính tới tình hình cắt giảm lựa chọn nhà máy điện mặt trời Phước Thái 2 có công suất cao hơn định nghĩa nhà máy chuẩn tại Thông tư 15 làm cơ sở đề xuất giá; và loại bỏ các dự án có kết quả tính toán giá phát điện cao hơn giá FIT trước đây khỏi dữ liệu tính toán.

Kết quả là giá phát điện đề xuất của EVN không bảo đảm được nguyên tắc tỷ suất lợi nhuận sau thuế (IRR) đạt 12% cho nhà đầu tư tại Thông tư 15; và mối tương quan giữa giá phát điện của các dự án điện gió và thực tế giá bán lẻ điện bình quân của EVN gần đây đã tăng lên.

Khung giá điện cần được tính toán lại

Trong kiến nghị của mình, các nhà đầu tư đề xuất tính toán lại khung giá điện tại Quyết Định 21 theo hướng: “Tuân thủ đầy đủ các thủ tục về đề xuất và ban hành khung giá phát điện cho dự án chuyển tiếp; Thực hiện thuê đơn vị tư vấn độc lập tính khung giá phát điện và tuân thủ các yêu cầu về tham vấn với Hội đồng Tư vấn và Bộ Tài Chính nhằm bảo đảm tính khách quan, minh bạch; và khắc phục những điểm chưa phù hợp”, các nhà đầu tư này nhấn mạnh.

Tiếp theo, các nhà đầu tư kiến nghị ban hành Thông tư hướng dẫn cụ thể về Hợp đồng mua bán điện cho các dự án chuyển đổi.

Lý giải cho đề xuất này, các nhà đầu tư khẳng định, các nhà đầu tư của các dự án chuyển Tiếp là những nhà đầu tư đã thực sự huy động vốn và bỏ ra chi phí đầu tư thực hiện dự án tới những giai đoạn cuối cùng (ký các hợp đồng dự án, mua thiết bị cần thiết từ năm 2020 với các Dự án Điện mặt trời, từ năm 2021 với các Dự án Điện gió), các chính sách trên sẽ giúp các nhà đầu tư an tâm tiếp tục đầu tư và phát triển các dự án chuyển Tiếp và tránh được thiệt hại kinh tế, thậm chí có thể gây sụp đổ dự án và tác động tăng nợ xấu cho hệ thống ngân hàng vì mục tiêu hoàn vốn không khả thi.

Ngoài ra, các nhà đầu tư năng lượng tái tạo cũng đề xuất cơ quan chức năng cho phép huy động công suất các nhà máy đã hoàn tất xây dựng.

Các nhà đầu tư năng lượng tái tạo cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ thúc đẩy việc hoàn thiện và ban hành cơ chế DPPA trong thời gian tới.

“Đưa thị trường bán buôn điện cạnh tranh vào hoạt động hiệu quả và xét tới thực tế là nhiều bên sử dụng điện lớn đã sẵn sàng mua điện từ các dự án, cơ chế DPPA sẽ là phương án bổ sung cần thiết để các nhà đầu tư điện mặt trời và điện gió có thể đi vào hoạt động và thu hồi vốn từ một kênh nhiều tiềm năng khác”, các nhà đầu tư kiến nghị.