Song Vũ ·
1 năm trước
 3648

Vận hành hợp lý lưới điện truyền tải nguồn năng lượng tái tạo

Để phát huy hết công suất phát điện năng lượng tái tạo cần có sự phối hợp điều độ, quản lý vận hành lưới điện truyền tải khoa học giữa các nhà máy điện với hệ thống truyền tải điện quốc gia.

Việt Nam đã đạt được thành tích ấn tượng trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, nhưng việc phát triển nhanh chóng của năng lượng mặt trời và gió lại đang làm quá tải hệ thống lưới điện quốc gia. Vào năm 2020, hơn 100.000 công trình năng lượng mặt trời trên mái nhà được lắp đặt và ít nhất 15 nhà máy năng lượng mặt trời đã được kết nối vào lưới điện. Năm 2021, có ít nhất 84 nhà máy điện gió đi vào hoạt động. Hầu hết các dự án này đều tập trung ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam và vượt quá khả năng hòa lưới điện cho các dự án này.

Lưới điện truyền tải của Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3). (Nguồn: ITN)

Để đảm bảo đạt được mục tiêu năng lượng tái tạo của Việt Nam đạt mức 25-30% năng lượng mặt trời và gió vào năm 2045 (theo QĐ số 428/TTg ngày 18/3/2016 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia), cần thiết đầu tư mở rộng, nâng cấp lưới điện, quản lý vận hành ổn định, tin cậy, đảm bảo giải tỏa công suất năng lượng tái tạo đang là yêu cầu cấp thiết với ngành điện nói chung và ngành truyền tải điện nói riêng.

Phát điện và truyền tải luôn là kết cấu thống nhất để lưu hành hệ thống điện một cách an toàn, hạn chế thấp nhất các sự cố. Do đó, việc phối hợp điều độ, quản lý vận hành lưới điện truyền tải giữa các nhà máy điện năng lượng tái tạo (NLTT) với hệ thống truyền tải điện quốc gia, thông qua các công ty truyền tải điện luôn phải được quan tâm thực hiện một cách khoa học, chính xác và nhuần nhuyễn.

Hiện nay, tổng công suất của hệ thống phát điện NNTT tại khu vực miền Trung đã lên tới xấp xỉ 21.000MW. Trong khi điện gió và mặt trời là nguồn điện không có quán tính, hệ thống điện quốc gia lại đòi hỏi nguồn điện phải có quán tính để đáp ứng các biến động của nhu cầu phụ tải, vì thế quá trình đấu nối và điều độ cần chính xác để không xảy ra bất kể sự cố nào.

Tại Ninh Thuận với 57 nhà máy điện mặt trời, điện gió đã được đấu nối vào lưới điện của Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) quản lý. Đại diện PTC3 cho biết, quá trình đấu nối luôn tiềm ẩn và dễ phát sinh những sự cố, do đó cần phối hợp xử lý triệt để giữa các nhà máy điện với PTC3 để quá trình truyền tải điện luôn đảm bảo an toàn, thông suốt. Việc phối hợp chính xác và khoa học giữa các nhà máy điện với các trung tâm điều độ sẽ hạn chế thấp nhất sự cố, đảm bảo xử lý nhanh những sự cố đường truyền tải và trạm biến áp. Ngoài ra, các chủ đầu tư cũng có trách nhiệm chú trọng quan tâm nhiều hơn đến công tác bảo dưỡng, sửa chữa, chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhà máy điện để cùng đồng hành và phát triển.

Trong thời gian tới để cải thiện việc giải tỏa công suất cũng như nâng cao khả năng truyền tải, A0 sẽ phối hợp với PTC3 lựa chọn các nguồn điện hợp lý nhất, các nhà máy điện NLTT phối hợp chặt chẽ trong kế hoạch điều độ phát điện.

Bên cạnh đó, ngành truyền tải điện và đặc biệt là PTC3 luôn nỗ lực trong sự phát triển của ngành điện, luôn sẵn sàn tiếp nhận, truyền tải và giải toả công suất cho năng lượng tái tạo ngày càng nhiều hơn nữa, vận hành lưới truyền tải điện luôn ổn định, tránh nghẽn mạch truyền tải để luôn đảm bảo giải tỏa công suất cho năng lượng tái tạo kịp thời đáp ứng với qui hoạch vĩ mô về phát triển năng lượng xanh của Quốc gia.