“Kỷ lục" đội vốn
UBND TP Hà Nội mới đây đã có Tờ trình số 104 gửi Thủ tướng về việc quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm đoạn Nhổn - ga Hà Nội với 2 nội dung.
Thứ nhất, UBND TP Hà Nội đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ 2009-2022 thành 2009-2027 (chưa bao gồm thời gian bảo hành 24 tháng), trong đó, đưa vào khai thác, vận hành đoạn trên cao vào năm 2023 và đưa vào khai thác, vận hành toàn tuyến vào năm 2027 (gồm cả đoạn ngầm).
Thứ hai, UBND TP Hà Nội xin điều chỉnh sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án đề nghị điều chỉnh từ 32.910 tỷ đồng lên thành 34.826 tỷ đồng (tăng 1.916 tỷ đồng). Sau khi chủ trương đầu tư dự án được phê duyệt điều chỉnh, giá trị tổng mức đầu tư điều chỉnh sẽ được thẩm tra, thẩm định để xác định chính xác làm cơ sở cho việc phê duyệt điều chỉnh dự án.
UBND TP Hà Nội báo cáo Chính phủ thông qua 2 nội dung điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội. (Ảnh: ITN)
Cơ cấu nguồn vốn đầu tư sau điều chỉnh sẽ gồm vốn vay ODA trị giá hơn 24.780 tỷ đồng; trong đó, vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) gần 375 triệu USD, cơ quan Phát triển Pháp (AFD) gần 159 triệu euro, ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) hơn 125 triệu euro, vay của Chính phủ Pháp hơn 350 triệu euro và vốn ngân sách thành phố Hà Nội hơn 10.000 tỷ đồng.
Theo UBND thành phố Hà Nội, hiện nhiều hợp đồng gói thầu không thể gia hạn và thanh toán do dự án chưa hoàn thành các thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng chủ đầu tư vẫn phải thúc các nhà thầu tiếp tục triển khai các hạng mục công việc để bảo đảm tiến độ khai thác vận hành đoạn trên cao trong năm 2023.
Thành phố cũng nêu nhiều lý do dẫn đến việc phải điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án. Trong đó, có sự biến động của tỷ giá quy đổi trong quá trình thanh toán khối lượng thực hiện dự án; do điều chỉnh khối lượng công việc hợp đồng. Trong quá trình thực hiện, do các yếu tố như hạ tầng kỹ thuật, vật cản không lường trước, khí hậu, thời tiết… Các biện pháp thi công và thiết kế cần điều chỉnh phù hợp hơn cho phù hợp với thực tế và thiên về tính an toàn cho công trình…. Phương án vận hành tuyến thành hai giai đoạn phù hợp với tình hình thực tế…
Vì vậy, UBND thành phố Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thống nhất việc tiếp tục triển khai thực hiện dự án gồm thi công, giải ngân, thanh toán cho nhà thầu và rà soát, đàm phán điều chỉnh các hiệp định vay, các hợp đồng gói thầu... đồng thời với việc thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư để không làm gián đoạn quá trình thực hiện Dự án.
“Ì ạch” 21 năm
Trái ngược với những kỳ vọng trước đó, dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội lại trở thành một dự án chậm tiến độ và để lại nhiều tai tiếng. Thậm chí, nhiều người còn ví von đây là dự án "rùa bò" chậm nhất cả nước.
Dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội khởi công lần đầu năm 2006, hoàn thành năm 2010. Tuy nhiên, do vướng mắc về giải phóng mặt bằng, dự án đã phải tạm dừng triển khai và đến tháng 9/2010 mới được khởi công và tiến độ được lùi tới năm 2015.
Sau đó, dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội thi công ì ạch, liên tục phải lùi ngày hoàn thành đến năm 2016, 2017 và 2018. Tiếp đó là lùi tiến độ hoàn thành đến năm 2019.
Trước đó Hà Nội dự kiến đưa đoạn trên cao từ Depot Nhổn đến Cầu Giấy khai thác trước vào cuối năm 2021, còn đoạn đi ngầm từ ga S8 - Kim Mã đến Trần Hưng Đạo vẫn tiếp tục được thi công. Tuy nhiên, tiến độ vận hành khai thác vào cuối năm 2021 tiếp tục bị lỡ hẹn.
Nếu dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội được điều chỉnh lùi tiến độ hoàn thành đến năm 2027 (tức 21 năm dự án mới hoàn thành kể từ ngày khởi công lần đầu). Như vậy, dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội sẽ đi vào lịch sử của ngành GTVT nói chung và TP Hà Nội nói riêng, khi phá vỡ mọi kỷ lục của các dự án hạ tầng giao thông.
Việc dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội xin lùi tiến độ đến năm 2027 lại một lần nữa người dân Thủ đô tiếp tục phải chờ đợi, hy vọng và... thất vọng mà không biết tiến độ dự án có hoàn thành đúng tiến độ hay lại phải chờ đợi tới năm những năm tiếp theo.