Tạ Nhị ·
41 tuần trước
 9139

Đường Vành đai 5 Hà Nội đi qua các tỉnh, thành phố nào?

Thành phố Hà Nội định hướng xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2027. Tuyến đường dài hơn 300km, đoạn qua Hà Nội dài 48km với quy mô cao tốc 6 làn xe.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021, Đường Vành đai 5-Vùng Thủ đô Hà Nội có quy mô cao tốc 6 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030.

Theo quy hoạch chi tiết được phê duyệt năm 2014, đường Vành đai 5 dài khoảng 331km (không bao gồm 41km đi trùng cao tốc Nội Bài - Hạ Long, Hà Nội - Thái Nguyên, Nội Bài - Lào Cai và quốc lộ 3); đi qua 36 quận, huyện, thành phố của Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc.

Trong đó, đoạn qua Hà Nội dài 48km, qua Hòa Bình hơn 35km; qua Hà Nam hơn 35km; qua Thái Bình hơn 28km; qua Hải Dương gần 53km; qua Bắc Giang khoảng 50km; qua Thái Nguyên gần 29km, qua Vĩnh Phúc hơn 51km.

Đường  có quy mô 4-6 làn xe, bề rộng nền đường tối thiểu 22-33m và có đường gom hai bên. Nhu cầu vốn đầu tư Vành đai 5 - vùng Thủ đô khoảng 85.560 tỷ đồng (tính theo giá năm 2013).

Hệ thống 7 đường vành đai của Hà Nội.

Trong văn bản trả lời cử tri tỉnh Bắc Giang mới đây, Bộ GTVT cho biết, tại quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt, đường Vành đai 5 – vùng Thủ đô đoạn qua tỉnh Bắc Giang dài khoảng 50km, quy mô cao tốc 6 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030.

Cơ quan này cho rằng, việc sớm đầu tư đưa vào khai thác đường Vành đai 5 nói chung, đoạn qua tỉnh Bắc Giang nói riêng là cần thiết để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Giang, từng bước hoàn thiện quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia và giao thông địa phương.

Tuy nhiên, do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT được phân bổ hạn hẹp, ngoài điều chỉnh giảm phân bổ lại cho địa phương, nguồn lực còn lại tập trung cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, dự án hạ tầng giao thông chiến lược theo chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ nên chưa thể bố trí nguồn vốn để triển khai đầu tư đường Vành đai 5 nói chung trong giai đoạn 2021 - 2025.

Trong thời gian qua, thực hiện Quyết định số 561 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch chi tiết đường Vành đai 5, nhiều địa phương như: Vĩnh Phúc, Hà Nam, Thái Bình, Thái Nguyên đã chủ động triển khai đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác một số đoạn tuyến trên đường Vành đai 5.

Đồng thời, tại Thông báo số 199/TB ngày 9/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu “Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang cần rà soát kỹ, cân đối, bố trí vốn để hoàn thành dứt điểm, phát huy hiệu quả các dự án đang triển khai, bảo đảm yêu cầu đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, manh mún, chia cắt. Trên cơ sở rà soát kỹ các nguồn lực, khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước và huy động các nguồn vốn khác, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang nghiên cứu, đề xuất phương thức đầu tư phù hợp”.

Từ đây, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang sớm nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư đường Vành đai 5 đoạn qua địa bàn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Bắc Giang trong quá trình triển khai thực hiện.

Trong thời gian qua, nhiều địa phương (Vĩnh Phúc, Hà Nam, Thái Bình, Thái Nguyên) đã chủ động triển khai đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác một số đoạn tuyến trên đường vành đai.

Dự án đường vành đai 5 đi qua 36 quận, thành phố thuộc 8 tỉnh thành trên cả nước được kỳ vọng sẽ trở thành tuyến đường qiao thông quan trọng, giúp đẩy mạnh quá trình lưu thông hàng hoá và tạo điều kiện cho người dân di chuyển, đi lại thuận lợi, dễ dàng hơn. 

Sau khi hoàn thành, dự án sẽ tạo thành một vòng tròn lưu thông khép kín, kết nối 8 tỉnh thành với nhau và hướng về trung tâm để tạo động lực phát triển kinh tế ở những vùng sâu vùng xa. 

Bên cạnh đó, dự án cũng sẽ góp phần nâng cao tầm cảnh quan, tiện ích của đô thị, tạo đà cho sự phát triển toàn diện của 8 tỉnh thành phố tuyến đường đi qua nói riêng và khu vực phía Bắc nói chung trên mọi lĩnh vực. 

Ngoài ra, dự án còn kết nối thị trường trong nước và quốc tế, đảm bảo sự phát triển kinh tế - văn hoá - quốc phòng - an ninh của đất nước. 

Giữa ngành giao thông vận tải và kinh tế cũng như thị trường bất động sản có mối quan hệ liên kết chặt chẽ. Chỉ khi cơ sở hạ tầng giao thông được mở rộng thì kinh tế và bất động sản mới có động lực phát triển mạnh mẽ.

Theo Tạ Nhị/ Diễn Đàn Sự Thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6689154364477596/