Tạ Nhị ·
38 tuần trước
 7996

EVN cảnh báo tình trạng thiếu điện vào năm 2024

EVN đã đưa ra cảnh báo về tình trạng thiếu điện ở miền Bắc, ước tính năm 2024 miền Bắc có thể thiếu từ 420 MW – 1.770MW điện.

Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong 7 tháng đầu năm 2023, điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 160,58 tỉ kWh, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong các tháng cao điểm nắng nóng, phụ tải điện tăng cao khi có thời điểm lên tới hơn 900 triệu kWh, công suất cực đại đạt hơn 43.000 MW vào ngày 19/5.

EVN cho biết, hệ thống điện đã đối mặt với khủng hoảng về mất cân bằng cung cầu điện vào các tháng 5 và 6 vừa qua, đặc biệt là khu vực miền Bắc. Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, thêm vào đó là tình huống thiếu nhiên liệu và một số tổ máy nhiệt điện than bị sự cố do vận hành trong điều kiện thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài, dẫn đến thiếu hụt nguồn điện nghiêm trọng.

Ảnh minh họa.

Tình hình cung ứng điện năm 2024, 2025, đại diện EVN cho biết phụ tải tiếp tục tăng cao, dự báo bình quân 9%/năm, tương ứng công suất tăng 4.000 – 4.500MW/năm. Trong khi đó, nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành chỉ khoảng 1.950MW (2024) và 3.770MW (2025), tập trung chủ yến tại khu vực miền Trung và miền Nam.

Công suất dự phòng của hệ thống điện miền Bắc thấp; nhu cầu điện cho miền Bắc tăng trưởng 10%/năm; thiếu công suất đỉnh ở một số thời điểm nắng nóng tháng 6, 7-2024 (thiếu 420 MW – 1.770MW).

Cùng với cảnh báo thiếu điện, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cũng đưa ra các phương án, trong đó sẽ huy động từ các dự án năng lượng tái tạo, huy động cao các nhà máy nhiệt điện ngay từ đầu năm 2024 để hạn chế thiếu điện và điều tiết, giữ mực nước các hồ thủy điện, nhất là khu vực miền Bắc ở thời điểm cuối mùa khô.

Giải pháp cung ứng điện cuối năm 2023 và năm 2024

Về giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cung ứng điện các tháng cuối năm 2023 và năm 2024, tại buổi làm việc mới đây của Bộ Công Thương với EVN, ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN cho biết, đến thời điểm này, việc cung ứng than cho phát điện đã được đảm bảo.

“Sự cố các nhà máy nhiệt điện được khắc phục dần, nước về các hồ chứa thủy điện được cải thiện. Điều này cơ bản đảm bảo cho cung ứng điện trong những tháng cuối năm, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh và sinh hoạt cho người dân”, ông Nhân cho biết.

Về cung ứng điện năm 2024, ông Trần Đình Nhân cho biết, EVN đã tính toán cân đối cung - cầu điện năm 2024 với nhu cầu điện tăng trưởng 8,96% so với năm 2023 và hai kịch bản lưu lượng nước về các hồ thủy điện (mức bình thường tương ứng tần suất 65% và mức cực đoan như đã xảy ra trong năm 2023 tương ứng tần suất 90%).

Để đảm bảo cung ứng điện trong các tháng cuối năm 2023 và cả năm 2024, EVN đang nỗ lực bảo đảm độ khả dụng, sẵn sàng của các nhà máy do tập đoàn và các đơn vị thành viên quản lý, hiện chiếm khoảng 37% công suất lắp đặt của hệ thống.

Đồng thời, tập đoàn cũng hạn chế tối đa sự cố các nhà máy, đặc biệt là các tổ máy nhiệt điện than miền Bắc; thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng suy giảm công suất các tổ máy do yếu tố nhiệt độ môi trường, nước làm mát, thủy triều xuống thấp.

“EVN cũng làm việc với TKV, PVN, Tổng công ty Khí Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc để đảm bảo đủ nhiên liệu (than, khí) cho sản xuất điện; lập lịch huy động cao các nhà máy nhiệt điện ngay từ đầu năm 2024 để điều tiết, giữ mực nước các hồ thủy điện ở mức cao, nhất là khu vực miền Bắc ở thời điểm cuối mùa khô một cách tối ưu theo quy định…”, ông Trần Đình Nhân cho biết.

Cùng với đó, EVN tiếp tục huy động tối đa công suất từ các dự án năng lượng tái tạo. Tính đến ngày 18/8, 20/85 nhà máy điện chuyển tiếp với tổng công suất 1.172 MW (trên tổng số 4.736 MW) đã được kết nối vào lưới điện quốc gia.

Trong đó bao gồm nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1 (100 MW) và VLP Bến Tre (4,2 MW còn lại trong tổng số 30 MW) của Điện Gia Lai, nhà máy điện mặt trời Phú Mỹ 1 & 3 của Bamboo Capital (88 MW còn lại trong tổng số 330 MW) và nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam của Trung Nam Group (172 MW còn lại trong tổng số 450 MW) .

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Công Thương yêu cầu 5 tập đoàn, tổng công ty không được để thiếu than, điện, khí đốt phục vụ nền kinh tế trong mọi tình huống.

Bộ trưởng yêu cầu EVN, TKV, PVN cần chỉ đạo khắc phục triệt để sự cố các nhà máy/tổ máy nhiệt điện, thủy điện trong phạm vi quản lý, đảm bảo các nhà máy phát huy tính khả dụng cao. TKV, PVN, Tổng công ty Đông Bắc phải tuyệt đối đảm bảo việc cung cấp than, khí cho sản xuất điện.

Đối với EVN, Bộ Công Thương yêu cầu đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án nguồn và lưới điện, nhất là các dự án truyền tải giải tỏa công suất các nguồn điện; đàm phán để huy động các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp cũng như các dự án điện khác.

EVN cũng cần tích cực tham mưu, phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực điện năng; đẩy mạnh công tác tái cơ cấu doanh nghiệp; vận động khách hàng tiêu thụ điện lớn dịch chuyển thời gian sản xuất, tránh giờ cao điểm của hệ thống…

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6764683483591350/