Thành Phong ·
1 năm trước
 6986

EVN đang mua điện giá bao nhiêu?

EVN mua điện từ nhiều nguồn như thủy điện, nhiệt điện than, điện gió, điện mặt trời, tuabin khí, nhập khẩu. Trong đó, thủy điện đang có giá rẻ nhất, còn nhiệt điện than lại rất đắt do giá than cao.

Nhiệt điện than tăng cao

Than, khí - nhiên liệu đầu vào quan trọng của sản xuất điện - đã tăng giá rất cao trên thị trường thế giới trong năm nay, trước những tác động từ xung đột Nga - Ukraine, khủng hoảng năng lượng tại châu Âu... Số liệu của IAE cho thấy, giá than thế giới năm nay đã tăng gấp 6 lần so với 2020, và 2,6 lần so với 2021. Giá khí đốt cũng tăng 27 lần trong 2 năm qua tại châu Âu.

Cơn sốt giá nhiên liệu thế giới đã ảnh hưởng tới giá thành điện trong nước, khi mỗi năm Việt Nam nhập 35-36 triệu tấn than cho sản xuất điện. Còn giá khí được tính neo theo giá dầu thế giới, nên khi giá dầu tăng 2,2 lần so với 2020 và 1,3 lần so với năm ngoái, đã làm tăng chi phí mua điện từ các nhà máy điện khí trong nước.

Kho than tại nhiệt điện Duyên Hải. Ảnh: EVN

Theo số liệu của EVN, giá mua điện bình quân từ điện than tăng 408 đồng một kWh so với 2021; riêng với nhà máy dùng than nhập khẩu, mức tăng này là 2.062 đồng một kWh. Giá mua điện khí cũng tăng hơn 183 đồng mỗi kWh so với năm ngoái.

Năm nay, sản lượng điện mua từ điện than (than trong nước, than nhập khẩu) khoảng 84 triệu kWh, và điện khí gần 29 triệu kWh. Vì thế, giá nhiên liệu than, khí tăng vọt đã khiến chi phí mua điện của EVN tăng gần 40.000 tỷ đồng.

Đối với thủy điện, theo kết quả tính toán của EVN dựa theo Biểu giá chi phí tránh được quy định tại Thông tư 32/2014/TT-BCT, giá mua điện của các thuỷ điện nhỏ trong các năm đều tăng. Cụ thể là năm 2021 tăng 13,6% so với năm 2020, năm 2022 tăng 23,6% so với năm 2021, năm 2023 với mức tăng hơn 40% so với năm 2022.

Nhưng trên thực tế, Biểu giá chi phí tránh được áp dụng cho các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ hàng năm không tăng mà còn giảm (năm 2020 giảm so với năm 2019), các năm 2021, 2022 giữ nguyên giá so với năm 2020. Nhất là trong bối cảnh giá nhiên liệu (than, khí) tăng cao đột biến, các khoản chi phí sản xuất, chi phí tài chính (lãi suất ngân hàng, đồng USD trượt giá) tăng đáng kể.

Đối với mức giá trần của khung giá phát điện (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) áp dụng cho các nhà máy điện mặt trời mặt đất là 1.184,90 đồng/kWh, điện mặt trời nổi là 1.508,27 đồng/kWh; Giá trần áp dụng cho điện gió trong đất liền là 1.587,12 đồng/kWh, điện gió trên biển là 1.815,95 đồng/kWh.

Có thể thấy giá mua điện bình quân các loại hình nguồn trong 3 tháng đầu năm 2023 là 1.844,9 đồng/kWh. Đây là thời điểm giá bán điện vẫn ở mức 1.864,44 đồng/kWh. Như vậy, giá mua điện của EVN gần ngang bằng với giá bán điện của tập đoàn này khi chưa được điều chỉnh tăng. Nếu cộng thêm các chi phí khác như phân phối, truyền tải, dịch vụ phụ trợ, điều độ... thì giá điện mua vào sẽ cao hơn giá bán ra.

Nỗ lực đạt 251,28 tỷ kWh sản lượng điện thương phẩm

Theo kế hoạch vận hành hệ thống điện trong năm 2023 mà Bộ Công Thương đã phê duyệt, điện thương phẩm trong năm 2023 dự kiến sẽ đạt khoảng 251,28 tỷ kWh, tăng 9 tỷ kWh so với năm 2022.

EVN cho biết, kế hoạch đặt ra cần phải bổ sung 4.200 MW nguồn điện để có thể đáp ứng tăng trưởng 9 tỷ kWh điện thương phẩm và công suất cực đại tăng trưởng khoảng 6% cần 2.500 MW để phủ đỉnh.

Trong bối cảnh chúng ta đang phụ thuộc rất nhiều vào một số dự án nguồn điện đang rất khó khăn về công tác đưa vào vận hành như Nhiệt điện Thái Bình 2 và các công trình nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam cũng như tiến độ của một loạt dự án thủy điện nhỏ mà các chủ đầu tư thực hiện ở khu vực phía bắc, dự báo công tác vận hành bảo đảm, cung ứng điện sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với năm 2022.

Ngay từ những ngày đầu năm 2023, EVN đang phải đối mặt với nhiều áp lực trong việc bảo đảm đủ nước để phục vụ đổ ải sản xuất vụ Đông Xuân 2022-2023 theo kế hoạch của Bộ NN&PTNT.

Theo kế hoạch EVN sẽ xả khoảng 4,9 tỷ m3 nước từ các hồ chứa thủy điện trong 2 đợt với thời gian 12 ngày trong khi thủy văn, mực nước trên sông Đà và các dòng sông tại các tỉnh phía bắc giảm sút so với cùng kỳ năm trước.

Đây cũng là một trong những thách thức đối với việc bảo đảm nguồn nước để phục vụ các tổ máy phát điện. Từ thực tế này, Tập đoàn đề nghị các địa phương, người dân, doanh nghiệp sử dụng nguồn nước tưới từ các hồ chứa thủy điện phục vụ sản xuất tiết kiệm, hiệu quả nhất, tránh thất thoát, lãng phí để bảo đảm mục tiêu phát điện.

Ngoài ra giá nhiên liệu như xăng dầu có xu hướng tăng trở lại trong những ngày đầu năm 2023 và việc bảo đảm cung ứng than cho các nhà máy điện và vấn đề bảo đảm mặt bằng cho các công trình xây dựng lưới điện cũng là những thách thức mà Tập đoàn đang phải đối mặt.

Dù còn nhiều khó khăn và áp lực trong vận hành, cung ứng điện, EVN khẳng định sẽ nỗ lực bảo đảm cung ứng điện cho nhu cầu phục hồi, phát triển kinh tế của đất nước sau đại dịch và đời sống dân sinh.

Tạ Nhị