Thanh Tâm ·
46 tuần trước
 9023

EVN, Handico và hàng loạt chủ đầu tư "lọt tầm ngắm" thanh tra của Bộ Xây dựng

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank).... sẽ bị Bộ Xây dựng thanh tra vào năm 2024.

Hàng loạt dự án, nhà đầu tư nằm trong diện thanh tra

Theo kế hoạch thanh tra năm 2024 của Bộ Xây dựng sẽ gồm 3 phần: Thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành, và đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Cụ thể, trong công tác thanh tra chuyên ngành, Bộ Xây dựng sẽ thanh tra hoạt động đầu tư xây dựng một số dự án do 10 đơn vị được giao làm chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư.

Trong đó có nhiều ban quản lý thuộc Bộ Giao thông vận tải như: Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, Ban Quản lý các dự án đường thủy, Ban Quản lý dự án 7.

Bên cạnh đó còn có Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội, TP Hải Phòng, Đồng Nai.

Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) sẽ bị Bộ Xây dựng thanh tra hoạt động đầu tư xây dựng.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng sẽ thanh tra hoạt động đầu tư xây dựng một số dự án do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) làm chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư.

Đối với công tác quản lý nhà nước ngành xây dựng, trong năm 2024 Bộ Xây dựng sẽ thực hiện thanh tra tại các địa phương: Phú Thọ, Nghệ An, Bến Tre, Long An, Đồng Tháp và chủ đầu tư, nhà đầu tư, cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan về hoạt động đầu tư xây dựng và một số dự án có sử dụng vốn ngân sách trung ương trên địa bàn.

Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng thực hiện thanh tra hoạt động kinh doanh bất động sản, thực hiện xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, công trình xây dựng tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Cùng với đó, Bộ Xây dựng dự kiến thực hiện thanh tra 2 - 4 cuộc về đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Theo đó, Bộ Xây dựng sẽ thanh tra UBND một số tỉnh, thành phố trong việc kiểm tra, xác minh vụ việc khiếu nại và đôn đốc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.

Xử lý "băm nát" quy hoạch đường Lê Văn Lương

Thanh tra Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi UBND Thành phố Hà Nội đôn đốc thực hiện Kết luận Thanh tra số 39/KL-TTr ngày 17/5/2022 về việc “băm nát” quy hoạch đường Lê Văn Lương

Nội dung văn bản thể hiện, sau thời gian kiểm tra, rà soát, Thanh tra Bộ Xây dựng nhận thấy UBND Thành phố Hà Nội và các tổ chức, cá nhân có liên quan chưa thực hiện xong một số nội dung như: Chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, khắc phục tồn tại các nội dung đã nêu trong Kết luận Thanh tra số 37/KL-TTr về quy hoạch đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính. Nhiều nội dung có kiến nghị thu hồi nhưng chưa thu hồi về tài khoản tạm giữ của cơ quan thanh tra.

Ngoài ra, UBND thành phố Hà Nội chưa thực hiện chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát, tổ chức thực hiện xử lý hành vi xây dựng sai quy hoạch đường Lê Văn Lương - Tố Hữu được duyệt.

Bên cạnh đó, nhiều chủ thể chưa thực hiện việc kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân đã để xảy ra các vi phạm, tồn tại được nêu trong Kết luận Thanh tra và một số nội dung theo Kết luận Thanh tra.

Thanh tra Bộ Xây dựng đề nghị UBND Thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm nội dung nêu trên của Kết luận Thanh tra số 39/KL-TTr.

Trước đó, tháng 5/2022, Thanh tra Bộ Xây dựng đã công bố Kết luận chỉ ra nhiều sai phạm trong công tác quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt tại khu vực hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu (Lê Văn Lương kéo dài), Khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính. Nhiều dự án được nêu tên, phá vỡ quy hoạch của Thủ đô.

Kết luận Thanh tra số 39/KL-TTr ngày 17/5/2022 của Thanh tra Bộ Xây dựng đã “điểm mặt” các chủ đầu tư, công trình, tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt tại khu vực 2 bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính. Qua kiểm tra, thanh tra, đã phát hiện 19 dự án, công trình và 1 khu nhà ở thấp tầng tồn tại vi phạm.

Theo đó, đường Lê Văn Lương kéo dài khoảng 2km, mọc lên tới 40 chung cư cao tầng dọc tuyến và tiếp đó, đường Tố Hữu cũng chịu cảnh quá tải tương tự. Tuyến đường rộng, đẹp nhưng luôn quá tải về hạ tầng đã biến nơi đây thành "điểm nóng" của Thủ đô trong những khung giờ cao điểm. Nguyên nhân chính là những sai phạm nghiêm trọng trong việc điều chỉnh quy hoạch sai quy định, buông lỏng quản lý xây dựng.

Kết luận Thanh tra đã chỉ rõ hàng loạt sai phạm trong công tác điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt tại hầu hết công trình thuộc khu vực này.

Theo đó, các dự án được lập, chấp thuận tổng mặt bằng, phương án kiến trúc tỷ lệ 1/500, rồi điều chỉnh, điều chỉnh nhiều lần (có dự án 5 lần điều chỉnh) nhưng không được công bố công khai minh bạch, dẫn đến tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong quản lý đô thị không biết để quản lý, giám sát thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng 2003, Luật Xây dựng 2014, Luật Quy hoạch đô thị 2009.

Quy hoạch không phải là thứ tự tiện điều chỉnh

KTS Phạm Thanh Tùng – Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, quy hoạch không phải thứ để có thể tùy tiện điều chỉnh, cơ quan lập quy hoạch phải có tầm nhìn chiến lược, bám vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, của vùng và phải đặt lợi ích của quốc gia, đời sống của dân lên hàng đầu.

Theo ông Tùng, một số nước phát triển, điều chỉnh quy hoạch là vấn đề hệ trọng nên cần cơ quan quản lý cấp trên thông qua, song hiện nay ở Việt Nam, việc điều chỉnh quy hoạch lại được tiến hành vội vã, dễ dàng, không tham vấn ý kiến của các chuyên gia cũng như người dân chịu tác động. Hệ lụy là công tác quy hoạch luôn bất cập.

Để không còn tình trạng tùy tiện điều chỉnh quy hoạch, trước khi điều chỉnh phải tham vấn cộng đồng bài bản. Sau đó, quy hoạch phải được công khai để cộng đồng, các tổ chức giám sát theo dõi.

Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam Trương Văn Quảng thừa nhận, hiện nhiều địa phương đầu tư kinh phí lớn cho công tác quy hoạch xây dựng, song vấn đề mấu chốt nằm ở chỗ quy hoạch được đề ra trước tiên sau đó lại bị điều chỉnh bởi các nhóm lợi ích khác nhau, hậu quả là người dân gánh chịu.

Theo chuyên gia này, chỉ cần một trong số những người có trách nhiệm quản lý quy hoạch địa phương có tầm và có tài thì những đồ án quy hoạch hay điều chỉnh quy hoạch bất hợp lý khó có thể được thông qua, phê duyệt.

"Do vậy, nhiều nước trên thế giới không để cho một kiến trúc sư hay một tổ chức đơn độc trong công tác lập và điều chỉnh quy hoạch, mà phải có sự tham gia của các nhà phản biện xã hội, chuyên gia xây dựng, nhà văn hóa học, nhà đô thị học" - ông Quảng cho biết.