Bích Ngọc ·
1 năm trước
 6901

FLC nói gì việc bị hủy niêm yết hơn 700 triệu cổ phiếu?

Mới đây, Công ty CP Tập đoàn FLC, đã có có kiến nghị cơ quan quản lý xem xét lại việc hủy niêm yết cổ phiếu của công ty này.

Tập đoàn FLC cho biết, tập đoàn và các đơn vị thành viên trong thời gian gần đây phải đối mặt với nhiều nguy cơ, khó khăn trong quá trình hoạt động do bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các thông tin, cũng như các vấn đề phát sinh liên quan đến việc một số cựu lãnh đạo bị tạm giam để điều tra.

Ảnh hưởng nghiêm trọng từ sự việc nêu trên khiến trong thời gian dài, Tập đoàn FLC không thể tìm kiếm được công ty kiểm toán chấp thuận kiểm toán cho báo cáo tài chính của FLC.

Tuy vậy, ngày 20/9/2022, FLC đã chính thức ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ kiểm toán với Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY. UHY sẽ là đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm toán các báo cáo tài chính năm 2021 của FLC. Thế nhưng vì nhiều lý do khách quan, cho đến thời điểm hiện tại FLC vẫn chưa nhận được kết quả kiểm toán của UHY.

Tập đoàn FLC cho rằng việc chưa có báo cáo kiểm toán vì bất khả kháng nên đã liên tiếp có văn bản giải trình và kiến nghị cơ quan quản lý xem xét, hỗ trợ. Trước đó, tháng 8/2022, công ty đã đề nghị Uỷ ban Chứng khoán chấp thuận tình trạng Tập đoàn FLC chưa có báo cáo tài chính kiểm toán là sự kiện bất khả kháng. Bên cạnh đó, tập đoàn này cũng xin không bị đình chỉ giao dịch hoặc huỷ niêm yết cho đến khi Bộ Tài chính chỉ định được công ty kiểm toán và đơn vị này kiểm toán báo cáo tài chính của FLC.

Tập đoàn FLC kiến nghị cơ quan quản lý xem xét lại về việc hủy niêm yết cổ phiếu trên HoSE. Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Trong thông báo, FLC khẩn thiết kiến nghị cơ quan quản lý xem xét lại về việc hủy niêm yết cổ phiếu, đặc biệt là xem xét đến các lý do khách quan, cũng như hoàn cảnh bất khả kháng của doanh nghiệp trong việc thực hiện các nghĩa vụ công bố thông tin như đã giải trình nêu trên.

Trước đó, ngày 14/2, HoSE ra thông báo về việc hủy niêm yết hơn 700 triệu cổ phiếu FLC của Công ty CP Tập đoàn FLC. Giá trị chứng khoán bị hủy niêm yết là 7.100 tỷ đồng. Ngày hủy niêm yết có hiệu lực là 20/2. Theo HoSE, Tập đoàn FLC đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác mà Sở Giao dịch Chứng khoán hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết bắt buộc theo quy định tại điểm o khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020. Theo HoSE, quyết định này nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.

Do đó, hơn 700 triệu cổ phiếu FLC sẽ bị loại khỏi sàn HoSE từ ngày 20/2. Tại phiên họp bất thường hồi đầu tháng 2, đại diện FLC cho biết doanh nghiệp này có hơn 64.700 cổ đông.

Theo Nghị định 155, cổ phiếu của công ty hủy bỏ niêm yết nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng phải đăng ký giao dịch trên UPCoM. Chính vì vậy, sau khi bị huỷ niêm yết bắt buộc trên sàn HoSE, cổ phiếu FLC nhiều khả năng sẽ được giao dịch trên sàn UPCoM.

Luật sư Nguyễn Hưng, Giám đốc Công ty luật TNHH Phúc Khánh Hưng cho biết, khi cổ phiếu bị hủy niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán thì nhà đầu tư vẫn được đảm bảo về nguồn sở hữu đối với cổ phiếu và doanh nghiệp có nghĩa vụ phải đảm bảo cổ phiếu cho các nhà đầu tư.

Nói cách khác, với cổ phiếu đang được sở hữu thông qua công ty chứng khoán FLC thì nhà đầu tư vẫn là cổ đông của công ty. Việc hủy niêm yết này không làm thay đổi quyền lợi của họ với tư cách cổ đông của công ty.

Luật sư Nguyễn Hưng - Giám đốc Công ty luật TNHH Phúc Khánh Hưng cho biết, khi cổ phiếu bị hủy niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán thì nhà đầu tư vẫn được đảm bảo về nguồn sở hữu đối với cổ phiếu và doanh nghiệp có nghĩa vụ phải đảm bảo cổ phiếu cho các nhà đầu tư.

Nói cách khác, với cổ phiếu đang được sở hữu thông qua công ty chứng khoán FLC thì nhà đầu tư vẫn là cổ đông của công ty. Việc hủy niêm yết này không làm thay đổi quyền lợi của họ với tư cách cổ đông của công ty. Tuy nhiên, việc hủy niêm yết sẽ khiến cổ phiếu của họ không được giao dịch, mua bán, chuyển đổi trên sở giao dịch chứng khoán. Nói cách khác, số cổ phiếu này sẽ bị "đóng băng", không thể chuyển đổi thành tiền mặt được

Nhà đầu tư sẽ phải liên hệ trực tiếp với các nhà đầu tư khác có nhu cầu khớp với mình để giao dịch thay vì chỉ cần gõ phím trên máy tính hay điện thoại. Trong đó, người muốn bán cổ phiếu sẽ phải đi tìm người muốn mua (thông qua các hội nhóm, mạng xã hội, người quen, …) và người muốn mua cổ phiếu phải tìm người muốn bán, hai bên liên lạc với nhau rồi đàm phán giá cả và khối lượng giao dịch. Nếu không thể thống nhất, hai bên sẽ lại phải đi tìm đối tác khác để mua bán.

Chính vì hoạt động giao dịch có nhiều trở ngại, thanh khoản thấp, cổ phiếu bị hủy niêm yết thường sẽ kém hấp dẫn nhà đầu tư hơn. Từ đó có giá thấp hơn so với cổ phiếu đang niêm yết.