Chất lượng không khí cải thiện rõ rệt
Ứng dụng VN Air của Tổng cục Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường ghi nhận vào lúc hơn 15 giờ ngày 26/5, hầu hết các điểm quan trắc đều ghi nhận chất lượng không khí tại cả ba miền đều ở mức “xanh.”
Tuy nhiên, điểm quan trắc tại xã Văn Môn (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) có chỉ số chất lượng không khí ở mức kém. Đây là điểm quan trắc duy nhất có chỉ số chất lượng không khí thuộc mức kém, những người nhạy cảm sẽ gặp phải các vấn đề về sức khỏe, những người bình thường ít ảnh hưởng.
Chất lượng không khí cải thiện rõ rệt.
Ứng dụng PAM Air (mạng lưới quan trắc môi trường không khí độc lập đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam phủ rộng tại 63 tỉnh, thành phố do Công ty Cổ phần Tư vấn và Tích hợp công nghệ D&L quản lý) cũng cho thấy, thông số chất lượng không khí trên toàn quốc đều ở mức tốt cho sức khỏe.
Tại Hà Nội, ứng dụng này ghi nhận, phần lớn điểm quan trắc có chỉ số chất lượng không khí tốt. Chỉ một số điểm có chỉ số chất lượng không khí ở mức trung bình như Trường Mầm non Thực hành Hoa Sen (phường Giảng Võ, quận Ba Đình); khu T thuộc khu đô thị Times City (quận Hai Bà Trưng); khu đô thị Văn Phú (quận Hà Đông).
Sớm hành động để bảo vệ không khí
TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam phân tích, không khí ô nhiễm chủ yếu do các nguồn phát thải tăng như: Gia tăng các phương tiện ôtô, xe máy, tác động từ đốt rơm rạ, rác thải, than tổ ong... Theo thống kê, trên địa bàn thành phố có 55.000 bếp than tổ ong, mỗi ngày đốt tới 528 tấn than, phát thải ra môi trường 1.870 tấn khí CO2 - đây là nguồn gây ô nhiễm không nhỏ.
TS Tùng cho rằng, đã đến lúc cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan. Phải kiểm soát chặt chẽ khí thải xe máy như đã làm với ôtô, ở ngưỡng đạt thì mới cho phép lưu hành, không đạt thì thải bỏ. Cùng với đó phải có những biện pháp quản lý chặt chẽ chất thải các làng nghề, nhất là làng nghề tái chế, khói bụi từ các công trình xây dựng.
Theo ông Tùng, việc giải quyết ô nhiễm không khí là một cuộc chiến cam go, lâu dài và phức tạp bởi sẽ va chạm trực tiếp đến lợi ích của người dân và doanh nghiệp, chẳng hạn việc hạn chế phương tiện cá nhân, loại bỏ bếp than tổ ong (như Hà Nội đang làm) buộc các doanh nghiệp phải thay đổi hoặc cải tiến công nghệ thân thiện môi trường. Do vậy, các cấp chính quyền cần tập trung tuyên truyền để doanh nghiệp, người dân ủng hộ và thực hiện các giải pháp giảm ô nhiễm không khí; đẩy mạnh công tác kiểm tra, phát hiện để xử lý nghiêm các dự án, cơ sở sản xuất, công trình xây dựng gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn theo quy định.
Các chuyên gia môi trường nhận định, chất lượng không khí tại nhiều nơi trên toàn quốc trong được cải thiện là do tác động của yếu tố thời tiết.
Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần thường xuyên cập nhật chất lượng không khí tại các website của Tổng cục Môi trường, hệ thống quan trắc chất lượng môi trường của thành phố Hà Nội hoặc qua ứng dụng PAM Air để biết chất lượng không khí từng thời điểm.
PGS.TS.BS Vũ Văn Giáp (Bệnh viện Bạch Mai) dẫn chứng, theo WHO, ô nhiễm không khí được coi là kẻ giết người thầm lặng. Ước tính có khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí. Tương tự như vậy, tỉ lệ đột qụy não cũng như các bệnh lý về tim mạch chiếm khoảng 25%. Riêng đối với bệnh lý hô hấp, các đối tượng bị ảnh hưởng sẽ nhiều hơn rất nhiều, ước tính khoảng 43% các trường hợp tử vong do các bệnh lý hô hấp có liên quan đến ô nhiễm không khí. Do đó WHO đã khuyến cáo nếu chúng ta không có biện pháp để bảo vệ môi trường, giữ cho bầu không khí trong lành, chất lượng không khí tốt thì con người sẽ là đối tượng đầu tiên phải gánh chịu hậu quả và tiếp theo sẽ là thế hệ tương lai của chúng ta.
Theo PGS.TS.BS Vũ Văn Giáp, đối tượng bị ảnh hưởng nặng nhất vì ô nhiễm không khí là các bệnh nhân mắc bệnh hô hấp. Những bệnh nhân này được bác sỹ khuyến cáo khi đi ra ngoài nên đeo khẩu trang để tránh khói từ các phương tiện giao thông, bụi từ các công trình xây dựng hoặc các mùi hắc khó chịu, lưu ý phải chọn lựa khẩu trang có thể lọc được bụi mịn (khẩu trang y tế thông thường thì không thể cản được hạt bụi siêu mịn).
Theo báo cáo Tình trạng Không khí toàn cầu năm 2020 công bố ngày 21/10, ô nhiễm không khí gây ra 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm, trong đó khoảng 4 triệu ca tử vong xảy ra ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Báo cáo cho biết ô nhiễm không khí đã cướp đi sinh mạng của 6,7 triệu người trên toàn cầu trong năm 2019. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người và tăng trưởng kinh tế, gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 5 nghìn tỉ USD mỗi năm. Chính phủ các nước trên toàn thế giới khẩn trương có những giải pháp để giảm ô nhiễm không khí như đầu tư vào những nguồn năng lượng sạch hơn, có thể tái tạo được, thay thế cho việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch; cung cấp phương tiện giao thông công cộng sạch hơn với giá thành hợp lý; tăng không gian xanh ở các khu đô thị; thay đổi hoạt động nông nghiệp, đưa ra nhiều lựa chọn xử lý rác thải hiệu quả hơn để hạn chế việc phải đốt những chất hóa học độc hại. |
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường Việt Nam