Bích Ngọc ·
25 tuần trước
 9936

Giá vàng hôm nay (ngày 29/5) bao nhiêu một lượng?

Giá vàng 9999, 24K, 18K, 14K, 10K, vàng SJC, DOJI, PNJ hôm nay tăng hay giảm? Giá vàng hôm nay bao nhiêu một lượng?

Giá vàng trong nước hôm nay bao nhiêu?

Giá vàng 9999 hôm nay được DOJI niêm yết ở mức 88,40 triệu đồng/lượng mua vào và 90,00 triệu đồng/lượng bán ra.

Còn tại Công ty Vàng bạc đá quý Mi Hồng, giá vàng Mi Hồng thời điểm khảo sát niêm yết giá vàng SJC ở mức 89,30– 90,30 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Giá vàng SJC tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu cũng được doanh nghiệp giao dịch ở mức 88,45 – 90,00 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Còn tại Bảo Tín Mạnh Hải đang được giao dịch ở mức 88,50 – 90,00 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Phú Quý SJC đang thu mua vàng miếng với giá 88,4 triệu đồng/lượng và bán ra 90 triệu đồng/lượng, tăng 700.000 đồng chiều mua và 600.000 đồng chiều bán.  

Giá vàng thế giới hôm nay bao nhiêu?

Giá vàng thế giới sáng hôm nay tiếp đà tăng với vàng giao ngay tăng 10,2 USD lên 2.360,9 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 2.362,4 USD/ounce, tăng 9,9 USD so với rạng sáng qua.

Kim loại màu vàng thế giới tiếp tục có được mức tăng khiêm tốn nhờ được thúc đẩy bởi sự suy yếu của đồng USD, trong khi giới nhà đầu tư vẫn đang nóng lòng chờ đợi dữ liệu lạm phát của Mỹ vào cuối tuần này để biết rõ hơn về thời điểm cắt giảm lãi suất. Chỉ số US Dollar Index giảm 0,2% xuống mức thấp nhất trong hơn 1 tuần đã khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với những người nắm giữ tiền tệ khác.

Trọng tâm trong tuần này sẽ tập trung vào chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi của Mỹ (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của Fed, sẽ được công bố vào thứ Sáu.

Vốn được coi là công cụ phòng ngừa lạm phát, vàng đã bị ảnh hưởng sau khi biên bản cuộc họp mới nhất của Fed tuần trước cho thấy Ngân hàng Trung ương Mỹ không những thảo luận việc duy trì lãi suất cao trong thời gian dài hơn mà còn nói đến khả năng tăng lãi suất trong bối cảnh lạm phát vẫn còn “dai dẳng” và còn chặng đường khó khăn để về được mốc mục tiêu 2%. Các nhà giao dịch đang đánh giá khoảng 63% khả năng cắt giảm lãi suất vào tháng 11.

Có ba yếu tố hỗ trợ xu hướng tăng trong 12 tháng của vàng, với trụ cột hỗ trợ đầu tiên đến từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Mặc dù Ngân hàng Trung ương Mỹ không sẵn lòng đưa ra tín hiệu cắt giảm lãi suất sớm khi lạm phát vẫn tăng cao, nhưng UBS cho rằng việc lãi suất bắt đầu giảm chỉ là vấn đề thời gian. Lãi suất thấp hơn sẽ làm giảm chi phí cơ hội của vàng, điều này sẽ thu hút các nhà đầu tư phương Tây quay trở lại các quỹ giao dịch trao đổi được hỗ trợ bằng vàng.

Theo CME FedWatch Tool, các thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong suốt mùa hè và nhận thấy cơ hội cắt giảm lãi suất là 50/50 vào tháng 9.

Với giá vàng trong nước tăng mạnh và giá vàng thế giới niêm yết tại Kitco ở mức 2.360,9 USD/ounce (tương đương gần 72,5 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới khoảng trên 17 triệu đồng/lượng.

Việc NHNN tổ chức các phiên đấu thầu vàng là giải pháp tăng nguồn cung để trung hòa nhu cầu thị trường, từ đó “hạ nhiệt” giá vàng. Tuy vậy đến nay mục tiêu này chưa hoàn thành. Đáng chú ý càng đấu thầu vàng giá vàng càng cao, khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới được kéo xa.

Theo đó, tại thời điểm 9 giờ sáng 23/4, trong phiên đấu thầu vàng đầu tiên của năm 2024, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 80,7 - 82,9 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra), trong khi giá trúng thầu vàng của NHNN là  81,32 triệu đồng. Thời điểm này giá vàng miếng SJC cao hơn giá vàng thế giới sau quy đổi khoảng 7 triệu đồng/lượng.

Đến phiên đấu thầu gần đây nhất ngày 23/5, doanh nghiệp tham gia đấu thầu vàng đã mua được vàng từ NHNN với giá trúng thầu cao nhất là 88,73 triệu đồng/lượng, giá trúng thầu thấp nhất là 88,72 triệu đồng/lượng. Cũng tại thời điểm chiều ngày 23/5 giá vàng SJC đứng 89,8 triệu đồng/lượng (bán ra) - 87,8 triệu đồng/lượng (mua vào). Giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới 15 triệu đồng/lượng.

Đến thời điểm chiều ngày 28/5, sau khi NHNN dừng đấu thầu vàng và hứa thay thế bằng biện pháp khác giá vàng đã lại vọt tăng vượt 90 triệu đồng/ lượng, khoảng cách giá vàng trong nước và quốc tế là 18 triệu đồng/ lượng.

Với lịch sử của đấu thầu vàng, cho thấy trước và sau đấu thầu vàng, khoảng cách vàng trong nước và thế giới đã được nhân đôi từ 7 triệu lên 15 triệu đồng/ lượng.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7867528869973467