Mới đây, trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Thuận về tình trạng giá vé máy bay đang quá cao, không ổn định nên kiến nghị xem xét giảm giá vé. Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, giá vé máy bay đang thực hiện theo cơ chế giá vé linh hoạt, với nhiều dải giá từ thấp đến cao tùy tình hình thị trường (cung-cầu), điều kiện vé, thời điểm xuất vé, chất lượng dịch vụ…
Đối với các đường bay nội địa, để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hàng Thông tư số 34/2023, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019 về khung giá vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.
Nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 sắp tới.
Hiện, các hãng hàng không Việt Nam đều thực hiện kê khai giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa với nhiều mức giá đáp ứng nhu cầu của hành khách và đảm bảo trong khung giá quy định tại các Thông tư nêu trên.
Mặt khác, theo cơ chế thị trường, với những giai đoạn cao điểm (cầu tăng quá lớn so với cung), các Hãng hàng không đều tăng tỷ lệ bán vé ở giá cao. Ngược lại, với những giai đoạn thấp điểm hoặc các chuyến bay lệch đầu dịp lễ Tết, nhu cầu tham gia vận chuyển của hành khách là rất thấp (cầu sụt giảm mạnh so với cung) thì các Hãng bay đều hạ thấp giá vé.
Riêng giai đoạn cao điểm điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Bộ Giao thông Vận tải cho biết đã chỉ đạo các hãng hàng không tăng chuyến bay phục vụ trong ngày cao điểm; theo dõi sát tình hình đặt vé của người dân để có điều chỉnh cho phù hợp; hỗ trợ các hãng hàng không tìm kiếm, đàm bán và thuê thêm máy bay phục vụ cao điểm Tết.
Bộ Giao thông Vận tải cũng chỉ đạo Cục Hàng không, các hãng hàng không thực hiện đầy đủ trách nhiệm kê khai giá vé, niêm yết giá, công khai thông tin về giá, không để xảy ra tình trạng tăng giá vé máy bay trái quy định.
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng chỉ đạo doanh nghiệp đường sắt, đường bộ phối hợp, tăng cường năng lực vận chuyển đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Theo báo cáo của các hãng hãng hàng không Việt Nam, kế hoạch khai thác toàn mạng và tình hình mở bán vé, đặt chỗ phục vụ Tết Giáp thìn năm 2024 trong giai đoạn từ 24/01/2024 - 25/02/2024 với tổng số chuyến bay dự kiến đạt xấp xỉ 33,8 nghìn chuyến, tăng 14% so với cùng kỳ Tết năm 2023 và tăng 21% so với lịch bay thường lệ hiện tại.
Trong đó, chuyến bay nội địa dự kiến đạt 24,2 nghìn chuyến, tăng 2% so với cùng kỳ và 27% so với lịch bay nội địa bình thường đang khai thác; chuyến bay quốc tế dự kiến đạt 9,6 nghìn chuyến, tăng 60% so với cùng kỳ và 9% so với lịch bay quốc tế bình thường đang khai thác.
Dự kiến các đường bay chiếm tỷ trọng lớn dự kiến khai thác Tết Giáp Thìn 2024 là Hà Nội – TP.HCM – Hà Nội với hơn 5 nghìn chuyến bay (chiếm 21% tổng số chuyến bay khai thác); tiếp theo là đường bay TP.HCM - Đà Nẵng - TP.HCM với số chuyến bay đạt hơn 2,2 nghìn chuyến bay (chiếm 9% trong tổng số chuyến bay khai thác) và đường bay TP.HCM – Vinh - TP.HCM đứng thứ 3 với 1,6 nghìn chuyến bay (chiếm 6,5% trong tổng số chuyến bay khai thác).
Ba đường bay có tỷ lệ tăng phục vụ Tết Giáp Thìn năm 2024 cao nhất so với lịch bay hiện tại đang khai thác lần lượt là Cần Thơ – Vinh - Cần Thơ (tăng 16 chuyến tương đương 107%), TP.HCM - Đồng Hới - TP.HCM (tăng 91 chuyến tương đương 97%), TP.HCM – Vinh - TP.HCM (tăng 340 chuyến tương đương 79%).
Tải cung ứng dự kiến đạt 7,2 triệu ghế, tăng 16% so với cùng kỳ Tết năm 2023 và 26% so với lịch bay thường lệ hiện tại. Trong đó, tải cung ứng nội địa đạt hơn 5 triệu hành khách, tăng 4% so với cùng kỳ Tết năm 2023 và 34% so với lịch bay nội địa bình thường đang khai thác; ghế cung ứng chuyến bay quốc tế dự kiến đạt 2,2 triệu ghế, tăng 59% so với cùng kỳ Tết năm 2023 và 10% so với ghế cung ứng quốc tế bình thường đang khai thác.
Trước tình hình trên, Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu các hãng hàng không Việt Nam xây dựng và triển khai phương án phục vụ Tết Giáp Thìn năm 2024 từ sớm, kể cả phương án khai thác ban đêm nhằm phục vụ tốt nhất cho nhân dân về quê và đi lại dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.