Ngọc Lan ·
1 năm trước
 8864

Giá xăng dầu cao làm tăng rủi ro lạm phát dịp cuối năm

Giá xăng dầu trong thời gian gần đây được điều chỉnh tăng liên tục, áp lực lên chi phí sản xuất kinh doanh và tiêu dùng, gây lo ngại về rủi ro lạm phát dịp cuối năm, ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô.

Tại kỳ điều chỉnh gần nhất ngày 21/9, Liên bộ Tài chính – Công thương đã điều chỉnh lại giá xăng, dầu. Cụ thể, giá xăng RON 95-III tăng  877 đồng lên mức 25.740/lít; giá xăng E5 RON 92 tăng thêm 726, ở mức 24.190 đồng/lít.

Đối với mặc hàng dầu, dầu hoả đắt thêm 630 đồng ở mức 23.810/lít; dầu diesel đắt thêm 540 đồng, được bán 23.590/lít; dầu có giá 17.840 đồng/kg đắt hơn 140 đồng so với kỳ điều chỉnh lần trước. Đây là mức giá cao nhất kể từ đầu năm đến nay.

Giá xăng đã tăng 7 kỳ liên tiếp.

Kỳ điều hành hôm nay, liên Bộ tiếp tục không trích lập từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, nhưng tăng chi từ quỹ này để kìm mức tăng của các mặt hàng. Cụ thể, mức xả quỹ với các mặt hàng xăng, dầu (trừ dầu mazut) tại kỳ điều hành hôm nay là 300 đồng một lít.

Theo nguồn tin từ báo Lao động, trong kỳ điều chỉnh trên, nếu cơ quan điều hàng không chi sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu, giá xăng có thể tăng từ 900 – 1000 đồng/lít đối với xăng RON 95-III và có thể tăng từ 750 - 850 đồng/lít với xăng E5 RON 92.

Theo Bộ Công thương, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 11/9/2023-20/9/2023) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: nhu cầu tăng cao trong khi OPEC+ kiềm chế nguồn cung, thắt chặt thị trường, triển vọng kinh tế tại Mỹ và Trung Quốc khả quan hơn trong khi tồn kho giảm, Fed quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản nhưng phát tín hiệu có thể có một đợt tăng khác vào cuối năm nay… Các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu từ ngày 11/9 đến 20/9 có biến động tăng giảm đan xen nhưng xu thế chung là tăng.

Tính từ đầu năm đến nay giá nhiên liệu trong nước có 27 đợt điều chỉnh, trong đó 16 lần tăng, 7 lần giảm và 4 kỳ giữ nguyên giá. Mỗi lít xăng RON 95-III hiện đắt hơn hồi đầu năm khoảng 3.400 đồng, E5 RON 92 là 3.300 đồng. Trong 8 phiên điều chỉnh gần nhất, giá xăng đã tăng tới 7 lần.

Nguồn: Bộ Công thương

Dữ liệu từ Bộ Công thương cho thấy, xăng dầu chiếm tỉ lệ cao trong tổng chi phí sản xuất của các ngành kinh tế. Chẳng hạn, với hoạt động khai thác thủy sản, chi phí xăng dầu chiếm 76,73% tổng chi phí sản xuất, với hoạt động vận tải là 63,36% và với khai thác than là 45,18%... Việc giá xăng dầu tăng mạnh thời gian qua, theo thừa nhận của Bộ Công Thương, đã gây tác động mạnh đến các hoạt động kinh tế cũng như đời sống người dân.

Còn Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng nhận định chưa thể chủ quan với áp lực lạm phát trong bối cảnh giá năng lượng thế giới tăng cao trở lại.

Theo báo cáo tháng 8/2023 của Tổng cục Thống kê Việt Nam, CPI tăng 0,88 % so tháng trước, trong đó, chỉ số giá nhóm giao thông tăng mạnh nhất trong 11 nhóm hàng chính, với mức tăng 3,85% so tháng trước.

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, khi giá xăng dầu tăng 10% sẽ khiến lạm phát tăng 0,36% và tăng trưởng kinh tế giảm 0,5%. Do đó, việc giá bán lẻ xăng dầu tăng mạnh trong nhiều kỳ điều hành qua đã tác động tương đối lớn đến chỉ số lạm phát và tốc động tăng trưởng kinh tế.

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam cho biết: “Rủi ro lạm phát toàn cầu quay lại, giá xăng, dầu cao sẽ ảnh hưởng nhất định đến tình hình kinh tế vĩ mô trong nước. Fed để ngỏ khả năng tăng lãi suất trong năm nay, khiến đồng USD còn dư địa tăng giá. Trong khi đó, NHNN duy trì chính sách nới lỏng nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế. Đây đang là nguyên nhân chính tạo áp lực lên tỷ giá. Tất cả những điều kể trên sẽ ảnh hưởng đến định hướng chính sách tiền tệ trong những tháng còn lại của năm".

Trước diễn biến giá xăng, dầu thời gian qua, Chính phủ đã có văn bản yêu cầu Bộ Công thương, Bộ Tài chính bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và trong nước, theo thẩm quyền chủ động điều hành kịp thời, hiệu quả giá xăng dầu và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu theo đúng quy định.

Tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; không để ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống người dân; đồng thời chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả điều hành giá xăng dầu.

Bộ Công thương được yêu cầu tăng cường công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật với các hành vi đầu cơ, trục lợi, găm hàng, buôn lậu xăng dầu qua biên giới và các hành vi vi phạm khác trong kinh doanh xăng dầu, bảo đảm nguồn cung xăng dầu và an ninh năng lượng quốc gia.