Hữu Linh ·
2 năm trước
 3027

Giá xăng dầu hôm nay ngày 4/8: Lao dốc do nhu cầu giảm mạnh

Giá dầu hôm nay ngày 4/8 có xu hướng giảm mạnh do nhu cầu tiêu thụ dầu thô toàn cầu giảm trong bối cảnh dịch Covid-19 tái bùng phát và có dấu hiệu lan rộng tại nhiều quốc gia châu Âu.

Giá xăng dầu thế giới

Tính đến đầu giờ sáng ngày 4/8, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2021 đứng ở mức 69,79 USD/thùng, giảm 0,24 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 3/8, giá dầu WTI giao tháng 10/2021 đã giảm tới 1,25 USD/thùng.

Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 10/2021 đứng ở mức 72,22 USD/thùng, giảm 0,19 USD/thùng trong phiên nhưng đã giảm 1,12 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 3/8.

giá dầu thô

Giá dầu ngày 4/8 giảm mạnh do lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu thô toàn cầu giảm khi dịch Covid-19 tái bùng phát và có dấu hiệu lan rộng tại Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều quốc gia châu Âu.

Giá dầu hôm nay còn chịu tác động tiêu cực khi các dữ liệu kinh tế được công bố thời gian gần đây cho thấy tốc độ tăng trưởng, đặc biệt trong khu vực sản xuất của 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới và cũng là 2 quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn nhất thế giới có dấu hiệu chùng lại.

Tại Trung Quốc, sự lây lan của biến thể này từ bờ biển đến các thành phố nội địa đã khiến các nhà chức trách phải áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để kiểm soát sự bùng phát.

Bên cạnh đó, kỳ vọng dầu thô Iran quay trở lại thị trường cũng chưa có diễn biến mới từ khi vòng đàm phán gián tiếp thứ sáu giữa Tehran và Washington đã hoãn lại vào ngày 20/6, hai ngày sau khi Raisi được bầu làm tổng thống. Các bên tham gia đàm phán vẫn chưa thông báo khi nào cuộc đàm phán sẽ nối lại.

Iran và sáu cường quốc đã đàm phán từ tháng 4 để khôi phục một hiệp ước hạt nhân. Tuy nhiên, các quan chức Iran và phương Tây cho biết vẫn còn những khoảng cách đáng kể.

Ở một khía cạnh khác, giới phân tích cho rằng, đà tăng của giá dầu được giữ chậm nhờ cuộc thăm dò sơ bộ của Reuters cho thấy tồn kho sản phẩm và dầu thô của Mỹ có khả năng giảm trong tuần trước và cả sản phẩm chưng cất hay xăng dự trữ được dự đoán sẽ giảm trong tuần thứ ba liên tiếp.

Dù vậy, bất chấp những biến động gần đây, dầu Brent đã tăng hơn 40% trong năm nay, giúp lợi nhuận của các công ty dầu mỏ tăng lên. Các “ông lớn” ngành dầu mỏ như BP, ConocoPhillips, Diamondback Energy Inc và Continental Resources Inc đều báo cáo thu nhập quý II mạnh mẽ trong tuần này.

Giá xăng dầu trong nước

Trong phiên điều hành ngày 27/7, giá xăng dầu trong nước được đồng loạt điều chỉnh giảm nhẹ sau 3 phiên tăng liên tiếp. 

Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 giảm 120 đồng/lít, xăng RON 95 giảm 100 đồng/lít. Các loại dầu cũng giảm từ 110-160 đồng/lít, trong đó dầu diesel giảm 160 đồng/lít; dầu hỏa giảm 110 đồng/lít; dầu mazut giảm 150 đồng/kg.

Sau điều chỉnh, xăng E5 RON 92 có giá bán tối đa 20.498 đồng/lít, xăng RON95 là 21.681 đồng/lít; dầu diesel 16.375 đồng/lít; dầu hỏa 15.398 đồng/lít; dầu mazut 15.522 đồng/kg.

Cũng tại kỳ này, cơ quan điều hành trích lập quỹ bình ổn đối xăng dầu diesel là 200 đồng/lít; dầu hỏa 300 đồng/lít; dầu mazut là 300 đồng/kg. Đồng thời, chi sử dụng quỹ đối với xăng E5 RON 92 mức khá cao là 1.250 đồng/lít; xăng RON 95 là 300 đồng/lít. Liên Bộ cũng thực hiện trích lập Quỹ bình ổn giá đối với một số loại dầu. Dầu diesel trích lập 200 đồng/lít, dầu hỏa trích lập 300 đồng/lít, dầu mazut trích lập 300 đồng/kg.

Trước đó, tại kỳ điều chỉnh gần nhất ngày 12/7, giá các mặt hàng xăng dầu trong nước có mức tăng mạnh.

Cụ thể, xăng E5RON92 tăng 850 đồng/lít, lên 20.610 đồng/lít. Xăng RON95-III tăng 867 đồng/lít, lên 21.783 đồng/lít. Dầu diesel 0.05S tăng 418 đồng/lít, lên 16.537 đồng/lít. Dầu hỏa tăng 452 đồng/lít, lên 15.503 đồng/lít. Dầu mazut 180CST 3.5S tăng 221 đồng/kg, lên 15.670 đồng/kg.