Gia Bảo ·
31 tuần trước
 8902

Giải ngân vốn đầu tư công: Tỉnh nào đang về đích sớm nhất?

Hải Phòng là tỉnh đang dẫn đầu trong cuộc đua giải ngân đầu tư công năm 2023. Tính hết tháng 8, địa phương này đã giải ngân hơn 10.200 tỷ đồng, đạt 76% kế hoạch.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến hết tháng 8 năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công trên cả nước đạt 299.447 tỷ đồng, tương đương 39,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Trong đó, vốn trong nước là 292.186,9 tỷ đồng, đạt 40,1% kế hoạch; vốn nước ngoài là 7.260,5 tỷ đồng, đạt 25,95% kế hoạch.

33 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt từ 40%. Trong đó, nổi bật là các tỉnh/thành phố như: TP Hải Phòng 76%, tỉnh Tiền Giang đạt 62,12%, tỉnh Long An là 66,18% và tỉnh Đồng Tháp là 66,94%...

Công trình cầu Bến Rừng nối huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) với thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) đang được đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành trong năm 2024.

30 địa phương còn lại có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 40% kế hoạch vốn. Trong đó có 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 25% kế hoạch vốn.

Nguyên nhân giải ngân chậm được Bộ Tài chính chỉ ra, như một số địa phương chưa tổ chức đấu giá đất nên chưa có số thu để giải ngân cho dự án. Vướng mắc liên quan đến biến động giá nguyên vật liệu, khó khăn trong nguồn cung, khan hiếm nguyên vật liệu nên các chủ đầu tư phải thực hiện các thủ tục về điều chỉnh dự toán giá hợp đồng; chậm phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án.

Bài học từ những tỉnh dẫn đầu

Là tỉnh trong số địa phương có tỷ lệ giải ngân đầu tư công cao, ngay từ đầu năm 2023, Hải Phòng tập trung tối đa nguồn lực cho các dự án quan trọng góp phần đắc lực cho sự phát triển của thành phố, của vùng.

Đặc biệt, Hải Phòng đã lập 4 tổ công tác do 4 phó chủ tịch làm tổ trưởng và tổ chức họp, giao ban, kiểm tra thường xuyên. Những hành vi cố tình gây cản trở, làm chậm tiến độ giải ngân đều được các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện xử lý nghiêm khắc.

Để đạt 100% giải ngân vốn đầu tư công, UBND TP Hải Phòng tiếp tục yêu cầu chủ đầu tư chủ động phối hợp với sở, ngành, huyện, thị tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong giải phóng mặt bằng; chủ động đề xuất điều chuyển vốn giữa các dự án giải ngân chậm sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, cần bổ sung vốn; lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện các gói thầu.

Là tỉnh thứ 2 dẫn đầu về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công sau Hải Phòng, UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu các đơn vị, địa phương trong tỉnh tập trung phân bổ và giao chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 đã được cấp có thẩm quyền quyết định, khẩn trương nhập dự toán của các dự án trên hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc; khẩn trương ban hành kế hoạch giải ngân và phân công cụ thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trực tiếp phụ trách theo dõi tiến độ thực hiện, giải ngân.

Đồng thời, thường xuyên kiểm tra tiến độ tại thực địa, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án ngay từ đầu năm, nhất là các dự án trọng điểm, công trình quan trọng kết nối, có tác động liên vùng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2023 (kể cả vốn năm 2022 kéo dài chuyển sang) số vốn cần giải ngân của tỉnh là khoảng 6.500 tỷ đồng. Kết quả giải ngân đến cuối tháng 8 là trên 4.000 tỷ đồng, đạt 62,33%, cao hơn 23,12% so với cùng kỳ. Với tỷ lệ đạt mức cao như vậy, UBND tỉnh Đồng Tháp đã đặt mục tiêu quyết tâm hoàn thành giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2023.

Để thực hoàn thành mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đề ra, thời gian qua, tỉnh Long An lãnh đạo tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt, nhờ vậy, tỷ lệ giải ngân của tỉnh đạt khá cao.

Chia sẻ của ông Trương Văn Liếp, quyền Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An cho biết, đến thời điểm ngày 16/8/2023, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 UBND tỉnh giao hết vốn cho các chủ đầu tư triển khai trên 9.800 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn cấp tỉnh quản lý trên 7.600 tỷ đồng, nguồn vốn cấp huyện quản lý trên 2.200 tỷ đồng. Khối lượng thực hiện đến ngày 16/8/2023 đạt gần 6.200 tỷ đồng, đạt 62,64% kế hoạch.

Hiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An đã làm việc với các chủ đầu tư Sở Giao thông Vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp, UBND thành phố Tân An… để đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch năm 2023.

Năm nay, tỉnh Tiền Giang được Thủ tướng Chính phủ giao trên 4.954 tỉ đồng vốn đầu tư công, địa phương giao thêm 360 tỉ đồng. Tổng kế hoạch vốn đầu tư công tỉnh Tiền Giang phải thực hiện giải ngân trong năm 2023 là trên 5.314 tỉ đồng.

Để hoàn thành chỉ tiêu nêu trên, năm 2023, tỉnh Tiền Giang tập trung triển khai nhiều dự án giao thông quan trọng. Do đó, trong thời gian tới, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh sẽ phối hợp với địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án; đẩy nhanh tiến độ giải ngân kinh phí chi trả cho các hộ bị ảnh hưởng, kịp thời bàn giao mặt bằng cho dự án để triển khai công tác thi công; trong đó có dự án trọng điểm nhóm A là Đường tỉnh 864 (Đường dọc sông Tiền).

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo các sở, ngành tỉnh và địa phương nâng cao chất lượng lập, thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu; kiểm soát chặt chẽ thời gian thực hiện các gói thầu thi công, thiết bị để nhanh chóng đưa công trình, dự án vào khai thác, sử dụng, đáp ứng các tiêu chí ra mắt huyện, xã nông thôn mới năm 2023.

Đồng thời, UBND tỉnh phối hợp tích cực với các bộ, ngành Trung ương kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư công, cũng như đề xuất các công trình, dự án sử dụng vốn dự phòng.