Nguyễn Linh ·
2 năm trước
 4667

Giải pháp hoàn hảo cho bài toán năng lượng sạch tại Việt Nam?

Năng lượng tổng hợp hạt nhân được xem là nguồn năng lượng của tương lai khi có thể giải quyết đồng thời hai vấn đề nóng của nhân loại: Biến đổi khí hậu và bảo đảm năng lượng bền vững trong nhiều triệu năm.

Năng lượng tổng hợp hạt nhân trở thành nguồn năng lượng sạch tương lai

Những cuộc thảo luận về nhiệt hạch đang dần sôi nổi trên toàn cầu, sau khi loại phản ứng tạo ra năng lượng tổng hợp hạt nhân này trở thành chủ đề chính tại một phiên họp trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow (Vương quốc Anh), do loại phản ứng này có thể tạo ra nguồn năng lượng gần như vô hạn mà không phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, hoàn toàn phù hợp với những tiêu chí về chuyển đổi năng lượng mà thế giới đang hướng đến.

Năng lượng tổng hợp hạt nhân được tạo ra thông qua phản ứng nhiệt hạch, là quá trình khi các hạt nhân nguyên tử nhẹ hợp nhất để tạo thành hạt nhân nặng hơn.

Khối lượng của hạt nhân tạo thành nhỏ hơn khối lượng của hai hạt ban đầu, và khối lượng còn lại trở thành năng lượng. Quá trình nhiệt hạch cũng chính là phản ứng cung cấp năng lượng cho Mặt Trời.

Theo giới khoa học, khác với sản xuất điện hạt nhân, bao gồm các phản ứng dây chuyền phân hạch cần đến sự kiểm soát để ngăn ngừa tình trạng thoát nhiệt có thể dẫn đến tai nạn, phản ứng nhiệt hạch kết thúc nếu nhiên liệu cạn kiệt hoặc plasma trở nên không ổn định.

Plasma - một chất khí nóng, tích điện được tạo thành từ các ion dương và các electron chuyển động tự do có những đặc tính riêng biệt với chất rắn, chất lỏng và chất khí - là trạng thái vật chất cần thiết để phản ứng nhiệt hạch xảy ra.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết về lý thuyết, phản ứng tổng hợp hạt nhân có thể tạo ra 1 terajoule năng lượng - xấp xỉ lượng năng lượng mà một người ở một quốc gia phát triển tiêu thụ trong khoảng thời gian 60 năm, chỉ với một vài gam hỗn hợp của deuterium và tritium.
Deuterium có thể được chiết xuất từ nước biển mà không tốn nhiều chi phí, còn tritium có thể được sản xuất từ lithium, vốn hiện hữu rất nhiều trong tự nhiên.

Các chuyên gia cho biết quá trình này không tạo ra chất thải hạt nhân có hoạt tính cao, tồn tại lâu dài như các nhà máy điện hạt nhân.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những rào cản cần phải giải quyết để có thể bước vào giai đoạn khai thác năng lượng nhiệt hạch trên quy mô lớn.

Theo Giáo sư Satoshi Konishi, thuộc Viện Năng lượng Tiên tiến của Đại học Kyoto, tuy đổi mới công nghệ có thể xuất hiện từ sớm nhưng sự chuyển đổi nguồn năng lượng xảy ra muộn hơn, minh chứng là trong lịch sử, phải mất hàng thập kỷ sau khi con người phát triển thành công kỹ thuật khoan giếng dầu thì dầu khí mới lên ngôi.

Ông Konishi cũng hy vọng nguồn năng lượng nhiệt hạch sẽ góp phần vào mạng lưới điện thế giới vào những năm 2040 đến 2050.

Trên thế giới, hiện có những dự án đang được triển khai để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển năng lượng tổng hợp hạt nhân.

Giải pháp hoàn hảo cho bài toán năng lượng sạch tại Việt Nam? - Ảnh 1
Năng lượng tổng hợp hạt nhân trở thành nguồn năng lượng sạch tương lai. (Ảnh minh họa)

Trong số đó, có thể kể đến dự án Lò phản ứng thử nghiệm nhiệt hạch quốc tế mang tên ITER có tổng cộng 35 quốc gia thành viên, với Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Ấn Độ là thành viên chính, với mục đích xây dựng tokamak (một thiết bị sử dụng từ trường cực mạnh để giữ plasma nóng trong một vật hình xuyến) lớn nhất thế giới ở Pháp để chứng minh tính khả thi của nhiệt hạch như một nguồn năng lượng quy mô lớn.

Tuy năng lượng nhiệt hạch dường như là giải pháp hoàn hảo cho bài toán năng lượng của thế giới, song vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi triển khai nguồn năng lượng này do có chứa chất phóng xạ tritium.

Chất phóng xa tritium được coi là nguy hiểm, đặc biệt nếu một lượng lớn đi vào cơ thể qua da, phổi hoặc dạ dày.

Tuy nhiên, chất này vẫn có phần an toàn hơn khi so sánh với iodine và cesium - đều là các sản phẩm phụ của quá trình phân hạch hạt nhân.
Các nhà khoa học cần tìm hiểu sâu hơn về ảnh hưởng của tritium với môi trường và cách khắc phục trước khi có thể thúc đẩy năng lượng tổng hợp hạt nhân trở thành nguồn năng lượng sạch tương lai, đặc biệt khi thế giới vẫn còn quan ngại những thảm họa xảy ra liên quan đến hạt nhân.

Điện hạt nhân có khả thi tại Việt Nam

Tại Việt Nam, ngày 25/11/2009 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 41/2009/GH12 về chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận với tổng mức đầu tư dự toán khoảng 200 nghìn tỷ đồng (theo thời giá lập dự toán năm 2008). Theo đó, Việt Nam dự định xây dựng 2 nhà máy có tổng công suất trên 4.000 MW sử dụng công nghệ lò nước nhẹ cải tiến, thế hệ lò hiện đại nhất đã được kiểm chứng, dự định sẽ đưa tổ máy thứ nhất vận hành vào năm 2020.

Công nghệ dự định xây dựng và sử dụng cho hai nhà máy điện hạt nhân được chuyển giao từ Nga và Nhật Bản, hai quốc gia hàng đầu về công nghệ điện hạt nhân.

Tuy nhiên, dự án xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận đã được Quốc hội bỏ phiếu thông qua Nghị quyết dừng vào năm 2016 trên cơ sở xem xét, cân nhắc rất kỹ lưỡng điều kiện kinh tế của Việt Nam tại thời điểm đó. Cụ thể theo Văn phòng Chính phủ, tình hình phát triển kinh tế vĩ mô của Việt Nam tại thời điểm năm 2016 có nhiều thay đổi so với thời điểm quyết định chủ trương đầu tư dự án năm 2009.

Dó đó, chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ là xem xét lại các dự án ưu tiên để quyết định, triển khai cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội là tập trung dồn nguồn lực để triển khai các dự án trọng điểm quốc gia, chú trọng đầu tư phát triển các dự án cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại có mức độ ưu tiên.

Những năm gần đây, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam luôn ở mức cao so với khu vực và thế giới, điều đó cũng đòi hỏi nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao để phục vụ sản xuất và mức sống ngày một tăng của người dân. Thủy điện và nhiệt điện than đang chiếm tỷ trọng lớn trong việc cung cấp điện lưới quốc gia nhưng Việt Nam đã hết dư địa khai thác thủy điện, thậm chí đang đối mặt với các vấn đề về an ninh nguồn nước.

Còn nhiệt điện than đang bị hạn chế do ô nhiễm môi trường, bụi mịn PM2.5 và các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu. Các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, địa nhiệt…) đang được Việt Nam triển khai mạnh mẽ nhưng tính ổn định không cao, phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết. Khắc phục được các hạn chế nêu trên, điện hạt nhân vẫn được đánh giá có tiềm năng để trở thành một nguồn cung mới vào lưới điện quốc gia Việt Nam.

Tính khả thi của việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam được các chuyên gia đánh giá dựa trên các ưu điểm như: Đa dạng hóa nguồn năng lượng, góp phần đáp ứng nhu cầu điện năng của đất nước, giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu hóa thạch, giá cả cạnh tranh với các nguồn điện sử dụng nhiên liệu nhập khẩu; Góp phần giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu, hạn chế khai thác tài nguyên hóa thạch; Góp phần nâng cao vị thế Việt Nam khi từng bước làm chủ được công nghệ hạt nhân…

Với mức độ ổn định tương đương thủy điện và nhiệt điện than, giá thành rẻ hơn điện than nhập và điện khí hóa lỏng (LNG) và ưu điểm thân thiện môi trường, điện hạt nhân hội tụ đủ khả năng để Việt Nam cân nhắc sử dụng như nguồn năng lượng tiềm năng trong tương lai.

Tại dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (dự thảo Quy hoạch điện VIII) do Bộ Công thương và Viện năng lượng xây dựng, việc tái khởi động lại dự án điện hạt nhân cũng được đưa ra để xem xét cho giai đoạn sau năm 2030 nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cũng như đáp ứng yêu cầu giảm phát thải khí nhà kính. Theo các chuyên gia, việc phát triển một nguồn năng lượng, đặc biệt là với năng lượng hạt nhân cần một khoảng thời gian khá dài để đảm bảo các tính toán, đánh giá kỹ lưỡng và vấn đề an toàn được đặt lên hàng đầu.

Mặc dù là công việc không hề dễ dàng với sự thay đổi và phát triển công nghệ từng ngày của thế giới, nhưng việc dự báo gần sát các nhu cầu và xu hướng trong tương lai là điều thực sự cần thiết để Việt Nam có thể lên các kế hoạch lâu dài, đảm bảo nguồn cung điện cho sinh hoạt, sản xuất và phát triển kinh tế.

Nguồn