Gia Bảo ·
1 năm trước
 1318

Giao dịch bất động sản lướt sóng đề xuất áp thuế suất cao hơn

Hướng đánh thuế được đưa ra là áp dụng thuế suất cao hơn với giao dịch bất động sản mà người bán có thời gian nắm giữ ngắn (hay còn gọi lướt sóng) nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ dẫn đến bong bóng bất động sản.

Có nên áp thuế cao hơn với người lướt sóng bất động sản?

Hiện Bộ Tư pháp đang hoàn thiện dự thảo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023 để trình Chính phủ. Trong đó, nghiên cứu bổ sung quy định về thuế đối với thu nhập của cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản theo thời gian nắm giữ.

Hướng đánh thuế được đưa ra là áp dụng thuế suất cao hơn với giao dịch bất động sản mà người bán có thời gian nắm giữ ngắn (hay còn gọi lướt sóng) nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ dẫn đến bong bóng bất động sản.

Dự thảo xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 đề xuất áp thuế suất cao hơn với các giao dịch bất động sản diễn ra trong thời gian ngắn. (Ảnh minh họa)

Khi thị trường địa ốc nóng sốt, người lướt sóng có thể mua vào bán ra trong vài ngày đến vài tuần hoặc một vài tháng để chốt lời. Khi thị trường trầm lắng, thời gian lướt sóng có thể kéo dài nhiều quý.

Tại Việt Nam, mức thuế suất áp dụng với người nắm bất động sản trong thời gian ngắn, theo các chuyên gia cần được xác định phù hợp, phản ánh được thực trạng hoạt động của thị trường bất động sản.

Các nước đánh thuế cao người lướt sóng nhà, đất

Tại Mỹ, chính sách chống đầu cơ bất động sản tùy thuộc vào luật pháp riêng tại từng tiểu bang. Ở thành phố San Francisco thuộc tiểu bang California quy định, nếu một người mua nhiều bất động sản và bán trong thời gian dưới 5 năm sẽ chịu mức thuế chuyển nhượng nhà là 24% nếu bán trong năm đầu tiên sau khi mua nhà; mức 22% nếu bán trong thời gian từ 1-2 năm; mức 20% nếu bán trong thời gian từ 2-3 năm; mức 18% nếu bán trong thời gian 3-4 năm và đến mức 14% nếu bất động sản được chuyển giao cho người khác từ 4-5 năm kể từ khi mua.

Tại Singapore, đất mua đi, bán lại trong năm đầu tiên bị đánh thuế 100% trên giá trị chênh lệch mua, bán; sau 2 năm thì mức thuế suất là 50%; sau 3 năm là 25%.

Tại Malaysia, thuế thu nhập bất động sản từ việc thanh lý tài sản (theo luật có hiệu lực năm 2014) theo tỷ lệ và thời gian nắm giữ sau: 30% trong thời gian nắm giữ lên đến 3 năm; 20% cho thời gian nắm giữ trên 3-4 năm; 15% cho thời gian nắm giữ trên 4-5 năm.

Tại Đài Loan, giao dịch bất động sản thực hiện trong năm đầu sau khi mua áp dụng thuế suất là 15%, thực hiện sau năm đầu và trong năm thứ hai sau khi mua thì thuế suất là 10%.

Kinh tế thế giới năm 2023 được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của ZingNews đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.