Thí điểm tại Hà Nội và Hà Nam
Theo Bộ Tư pháp, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 05/CT-TTg về đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương.
Do đó, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) đã ký văn bản gửi UBND TP Hà Nội và UBND tỉnh Hà Nam về việc triển khai thí điểm cấp bản điện tử Giấy khai sinh và Trích lục khai tử.
Bộ Tư pháp đã nghiên cứu giải pháp kỹ thuật, chỉnh lý, bổ sung chức năng tạo lập bản điện tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử khi thực hiện việc đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử (mới) cho Phần mềm dịch vụ công liên thông với 2 nhóm thủ tục: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng để triển khai thí điểm.
Trong ngày đầu tiên vận hành thí điểm, đã có 101 trẻ em được cấp bản điện tử Giấy khai sinh; 17 trường hợp được cấp Trích lục khai tử trên địa bàn 2 địa phương trên. Việc thí điểm sẽ diễn ra tại các cơ quan đăng ký hộ tịch trên địa bàn Hà Nội và tỉnh Hà Nam từ ngày 17/4 đến hết ngày 20/5.
Bản điện tử có giá trị như bản giấy trong các giao dịch
Theo Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực (Bộ Tư pháp), giá trị của bản khai sinh điện tử giống như bản giấy, có giá trị dùng trong các thực hiện các thủ tục hành chính.
Theo đó, khi mỗi trẻ em được sinh ra, người thân làm thủ tục khai sinh sẽ được cấp song song cả 2 hình thức, giấy khai sinh (bản giấy) và giấy khai sinh điện tử. Việc này nhằm thuận tiện nhất cho người dân trong việc giải quyết các thủ tục hành chính.
Bản điện tử giấy khai sinh có đầy đủ thông tin của người được đăng ký khai sinh: Họ và và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch; thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh; số định danh của người được đăng ký khai sinh.
Cán bộ tư pháp xã, phường khi có trường hợp khai sinh mới sẽ cấp cả bản giấy khai sinh và bản khai sinh điện tử. Giá trị của bản khai sinh điện tử giống như bản giấy, có giá trị dùng trong các thực hiện các thủ tục hành chính. Mặt khác, bản khai sinh điện tử không phải lo bảo quản, có thể mang đi nhiều nơi.
Sau thời gian thí điểm tại 2 địa phương là Hà Nội và Hà Nam, Bộ Tư pháp sẽ đánh giá kết quả thí điểm và dự kiến sẽ triển khai trên cả nước từ tháng 6.2023.
Khi triển khai trên cả nước, các cơ quan cũng tính tới phương án tăng tính bảo mật cho mã QR code trên bản khai sinh điện tử để tránh tình trạng làm giả mã QR code. Theo đó, khi thực hiện giao dịch hành chính, sẽ có cổng xác thực QR code để đọc dữ liệu của người dân và đảm bảo dữ liệu đó được liên thông, xác thực với dữ liệu khai sinh.
Việc cấp Giấy khai sinh, Trích lục khai điện tử sẽ tiến tới bảo mật để xác định đúng thông tin khai sinh chính xác với các cơ sở dữ liệu về khai sinh và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Về nhiệm vụ trong thời gian tiếp theo, Bộ Tư pháp cho biết sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính.
Trong đó, tập trung thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ của Bộ Tư pháp theo Đề án 06 phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Đầu tư xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và phần mềm ứng dụng của ngành Tư pháp, trong đó ưu tiên đầu tư cho Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc để chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác. Thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số gắn với bảo đảm an toàn thông tin mạng trong ngành Tư pháp.
Theo Tạ Nhị - Diễn Đàn Sự Thật