Theo báo cáo mới nhất của Hội Môi giới Bất động sản (VARS), thị trường bất động sản gần như không tiếp cận được nguồn vốn để phát triển từ giữa tháng 5 năm 2022.
Trong Báo cáo của Bộ Xây dựng, số lượng doanh nghiệp bất động sản tuyên bố phá sản, giải thể so với cùng kỳ năm trước tăng 38,7% (ước lượng gần 1.200 doanh nghiệp).
Theo VARS, sẽ có thêm số lượng lớn doanh nghiệp bất động sản buộc phải đóng cửa, phá sản nếu như không giải quyết được khó khăn về nguồn vốn, tạo rủi ro và nguy cơ đổ vỡ cho hệ thống. Hàng loạt doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhà máy, công xưởng của hơn 30 ngành nghề liên quan phải ngưng hoạt động khiến cho hàng triệu lao động thất nghiệp, làm gia tăng bất ổn xã hội.
Cũng theo đơn vị này, giải pháp nguồn vốn cho thị trường bất động sản, không phải là dùng tiền ngân sách để gỡ khó, mà là đưa ra các định hướng, cơ chế, chính sách phù hợp để khai thông thị trường, hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ người lao động, người dân. Việc rà soát và tháo gỡ pháp lý nhất là cho bất động sản sẽ là chìa khóa cho sự khôi phục của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tín dụng bất động sản, đó là hai kênh dẫn vốn vô cùng quan trọng trong hệ thống vay của doanh nghiệp phát triển dự án.
Bộ Tài chính hiện đang lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP theo hướng sẽ cho doanh nghiệp thêm 2 năm để giãn nợ trái phiếu, giảm áp lực đáo hạn. Tuy vậy, Chính phủ cần sớm ban hành các điều chỉnh Nghị định 65 để hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp được thuận lợi, hiệu quả. Nên kéo dài thời hiệu thực thi Nghị định 65 đến năm 2025.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
VARS cũng cho rằng, nguồn vốn tín dụng cần sớm thúc đẩy việc triển khai gói tín dụng cho xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với lãi suất cho vay ưu đãi cả với chủ đầu tư và người mua nhà để tăng cung về nhà ở xã hội, tạo giao dịch, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các chủ thể liên quan trong hệ sinh thái bất động sản.
Cùng với đó, thông tin về quy hoạch, giao dịch bất động sản,.. cần được cơ quan quản lý công khai cụ thể, minh bạch. Rà soát, phân loại các dự án theo tính chất dự án và tiến độ triển khai để tháo gỡ khó khăn cho thị trường, để việc "giải cứu" hiệu quả, “đúng nơi đúng đối tượng”. Từ đó, khôi phục niềm tin cho nhà đầu tư, xóa bỏ định kiến về ngành bất động sản. Cần xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu để sớm tìm ra điểm cân bằng của cung cầu thể hiện ở giá cả bất động sản, thông qua đó quản lý giá để phù hợp với sức mua của người dân. Dòng vốn tín dụng của ngân hàng sẽ được hỗ trợ khơi thông khi có đầy đủ cơ sở pháp lý và xác định được giá đất.
Với doanh nghiệp, Nhà nước hỗ trợ về cơ chế để tái cơ cấu hàng hóa bằng việc cho phép điều chỉnh dự án hoặc một phần dự án (trong giai đoạn đang làm thủ tục đầu tư) sang phân khúc phù hợp với nhu cầu thị trường. Mức giá cân bằng khó mà hạ thấp nếu doanh nghiệp phát triển dự án phá sản, nguồn cung đã thiếu lại còn thiếu hơn trong khi nhu cầu luôn tăng cao. Doanh nghiệp cần được trao cơ hội để tự tháo gỡ, tạo ra nguồn cung phù hợp, để người dân được mua nhà với giá phù hợp.