Bích Ngọc ·
1 năm trước
 6478

Một doanh nghiệp đã trả hết nợ trái phiếu ngay sau khi bị HNX “bêu tên” trong danh sách trễ hẹn trả nợ trái phiếu, đó là doanh nghiệp nào?

Sau khi HNX công bố danh sách 54 doanh nghiệp từng chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu trong giai đoạn 16/9/2022-31/1/2023, CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương tín – TTC land (HOSE: SCR) thông báo đã hoàn tất thanh toán trái phiếu và không còn dư nợ trái phiếu.

Cụ thể, gói trái phiếu trên có mã SCRBOND2019 (trị giá 80 tỷ đồng) đến hạn ngày 22/11/2022, đến ngày 23/11/2022, SCR đã thực hiện thanh toán cả nợ lãi và gốc trái phiếu.

Ngày 23/2/2023, danh sách 54 doanh nghiệp từng chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu trong giai đoạn 16/9/2022 - 31/1/2023 được HNX công bố.

Trong danh sách này có tổng cộng 54 doanh nghiệp, trong đó, số lượng doanh nghiệp bất động sản - xây dựng là 34 doanh nghiệp, chiếm gần 63%.

Đặc biệt rất nhiều doanh nghiệp trong số này kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản như Hải Phát, Công ty Địa ốc Sài Gòn Thương Tín, Nam Lan, Đầu tư LGD, Danh Khôi, Gotec Land, Bất động sản Hà An, Apec Land Huế, Đất xanh miền Nam, Nam Land, Sunny World, Gotec Land, Quốc tế Sơn Hà.

Như vậy, có thể thấy việc chậm thanh toán gốc, lãi của TTC Land đã được công ty xử lý ngay sau đó 1 ngày. Nghĩa là hiện nay dư nợ trái phiếu của TTC Land bằng 0.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Được biết, vào năm 2022, TTC Land ghi nhận doanh thu hoạt động kinh doanh chính gần 900 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 79 tỷ đồng, so với năm 2021 sụt giảm khá mạnh. Thực tế, đây cũng là bức tranh chung của ngành bất động sản trong năm vừa qua, đặc biệt là quý 4 khi thị trường chịu tác động mạnh bởi lãi suất tăng cao và nhu cầu sụt giảm.

Thời điểm 31/12/2022, TTC Land có tổng tài sản đạt 9,691 tỷ đồng. Chiếm tỷ trọng lớn vẫn đến từ hàng tồn kho 2,776 tỷ đồng, chủ yếu là bất động sản dở dang tập trung tại các dự án trọng điểm. Các khoản phải thu ngắn hạn 2,980 tỷ đồng, dài hạn 1,267 tỷ đồng, và đầu tư tài chính dài hạn 1,004 tỷ đồng.

Tổng nợ phải trả 4,623 tỷ đồng, trong đó tổng nợ vay ngắn và dài hạn 1,908 tỷ đồng, tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu là 0.37 lần, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu là 0.9 lần.

VnDirect cho biết, trong năm 2023, áp lực đáo hạn sẽ tăng mạnh trong quý 2 và quý 3. Tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn của ngành bất động sản là 37,6%, tương đương 102.570 tỷ đồng (so với cùng kỳ tăng 76%).

Theo Công ty Chứng khoán BSC, tổng giá trị phát hành trái phiếu trong năm 2020 và năm 2021 lần lượt là 458.700 tỷ đồng và 775.800 tỷ đồng, trong đó nhóm ngành bất động sản chiếm khoảng 40 - 45% tổng giá trị phát hành.

Tổng quy mô trái phiếu đáo hạn năm 2023 - 2024 ước tính lần lượt khoảng 317.500 tỷ đồng và 363.400 tỷ đồng, cao hơn mức 220 nghìn tỷ đồng năm 2022.

Vì vậy, BSC cho rằng, đây là áp lực tương đối lớn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp bất động sản. Chưa kể, một loạt yếu tố khác cũng có thể ảnh hưởng đến thanh khoản của các doanh nghiệp bất động sản gồm: khả năng lãi suất tăng; một số ngân hàng thương mại kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động tín dụng đổ vào bất động sản...