Bích Ngọc ·
26 tuần trước
 8739

Góc khuất về kinh doanh xăng dầu: Gỡ vướng bằng cách nào?

Nhìn vào những sai phạm của Công ty Xuyên Việt Oil cho thấy vấn đề quản lý mà ngành kinh doanh xăng dầu gặp phải. Cần có chế tài xử lý nghiêm nếu không sẽ khó để lành mạnh thị trường xăng dầu.

Mới đây, Vụ Thị trường trong nước và Thanh tra Bộ Công Thương đã có những thông tin về quản lý xăng dầu. Trong đó, có liên quan trực tiếp đến việc thanh, kiểm tra Công ty Xuyên Việt Oil.

Thời gian thanh tra Xuyên Việt Oil bị ‘delay’ do dịch COVID-19 khiến

Thực hiện công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, vào cuối năm 2020, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3646/QĐ-BCT về việc thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu năm 2021 đối với một số thương nhân kinh doanh xăng dầu, trong đó có Công ty Xuyên Việt Oil.

Tuy vậy, trong quá trình triển khai, do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên việc kiểm tra đối với các doanh nghiệp bị gián đoạn, không thể thực hiện. Chính vì vậy, Bộ Công Thương không thể tổ chức các đoàn kiểm tra theo như kế hoạch đã ban hành.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Bên cạnh đó, việc kiểm tra bị gián đoạn, không thể thực hiện do dịch bệnh COVID-19, Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu của Công ty Xuyên Việt Oil bị hết hạn. Được biết, Công ty đã nộp hồ sơ đề nghị Bộ Công Thương xem xét, cấp lại Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu cho Công ty (cấp lại Giấy phép vào tháng 11/2021).

Tại thời điểm cấp lại Giấy phép, Bộ Công Thương đã khẳng định Công ty Xuyên Việt Oil đáp ứng các điều kiện để được cấp lại Giấy phép theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP.

Nói về thông tin quyết định kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh xăng dầu năm 2022 không có Công ty Xuyên Việt Oil, theo Bộ Công Thương, thực hiện công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, cơ quan này đã ban hành 04 Quyết định thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh xăng dầu đối với các thương nhân kinh doanh xăng dầu và Công ty Xuyên Việt Oil cũng nằm trong số đó.

Được biết, kết thúc quá trình thanh tra, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể, Công ty Xuyên Việt Oil bị xử phạt 390 triệu đồng và tước Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1,5 tháng từ 10/8/2022 đến 13/9/2022.

Chính vì vậy, thông tin Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 3103/QĐ-BCT về việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về kinh doanh xăng dầu năm 2022 với khoảng 20 doanh nghiệp nhưng không có Công ty Xuyên Việt Oil là chưa đầy đủ thông tin.

Trong năm nay, Bộ Công Thương cho biết đã tiếp tục kiểm tra một loạt doanh nghiệp xăng dầu. Do phát hiện nhiều vi phạm nên Xuyên Việt Oil đã bị thu hồi giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu và yêu cầu nộp lại số dư Quỹ BOG xăng dầu theo quy định từ hồi tháng 8. Tuy vậy, cho đến nay lãnh đạo doanh nghiệp trên dù bị bắt nhưng số tiền quỹ BOG vẫn chưa được nộp lại. 

Gỡ vướng bằng cách nào?

Việc quản lý, sử dụng Quỹ BOG từng được Kiểm toán Nhà nước vạch rõ những bất cập và đưa ra các cảnh báo khi thực hiện kiểm toán giai đoạn 2015 – 2016. Theo đó, nhiều doanh nghiệp đầu mối chưa công bố về số trích lập, số sử dụng và số dư quỹ hằng tháng và trước mỗi lần điều chỉnh giá. Chưa cung cấp hồ sơ tài liệu chứng minh việc đã báo cáo Bộ Công Thương về tình hình số dư, số trích, số sử dụng, lãi suất sinh quỹ ngày 25 hàng tháng, tổng hợp báo cáo khi kết thúc năm tài chính gửi Liên Bộ Tài chính – Công Thương theo quy định. Kiểm toán Nhà nước cũng đã nêu tình trạng chưa chuyển tiền trích quỹ BOG vào tài khoản riêng tại ngân hàng.

Về những bất cập quản lý trên thị trường xăng dầu hiện nay, theo đại diện một doanh nghiệp đầu mối, khi có những doanh nghiệp "ôm" quỹ BOG sẽ khiến môi trường kinh doanh không bình đẳng làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính khác. Do đó, ông cho rằng mọi căn nguyên của vấn đề có lẽ để giải quyết thì trước hết phải bỏ Quỹ BOG.

Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho hay, thị trường xăng dầu trong nước còn bị động, thiếu hụt nguồn cung và vướng mắc trong cơ chế điều hành. Ngoài ra, cần đánh giá thực trạng và hiệu quả của Quỹ BOG xăng dầu, việc điều hành Quỹ phải bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả. Cùng với đó, tăng cường công khai, minh bạch thông tin về nguồn cung xăng dầu, sản lượng các doanh nghiệp lọc hóa dầu trong nước, lượng nhập khẩu của các doanh nghiệp đầu mối.

Trong thời gian tới, để quản lý thị trường xăng dầu, Bộ Công Thương cho biết đang tập trung sửa đổi Nghị định 83 và 95, theo hướng như sửa đổi quy định về công thức giá và phương thức điều hành giá theo hướng rút ngắn chu kỳ điều hành từ 10 ngày xuống 7 ngày, sửa đổi quy định cho phép đại lý kinh doanh xăng dầu được lấy xăng dầu từ tối đa 3 nguồn…

Thêm vào đó, Bộ Công Thương cũng cho biết sẽ sửa đổi, bổ sung quy định về các trường hợp thu hồi Giấy phép kinh doanh xăng dầu của thương nhân. Đối với một số trường hợp vi phạm, tùy theo mức độ, Nghị định quy định thời gian cho phép thương nhân khắc phục trong thời gian 90 ngày. Sau thời gian này, trường hợp thương nhân không khắc phục được vi phạm sẽ bị thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu. Việc quy định điều này là để tránh việc làm đứt gãy đột ngột nguồn cung xăng dầu, đặc biệt trong những thời điểm nguồn cung xăng dầu trong nước đang bị ảnh hưởng, khan hiếm.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6997600126966350/?