Thành Phong ·
2 năm trước
 3142

Gợi mở chính sách về năng lượng tái tạo

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản từng cho biết sẽ tăng nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2030. Do chưa có kinh nghiệm nên nhiều nhà đầu tư đang gặp khó khăn trong phát triển năng lượng tái tạo.

Mới đây, một cuộc hội thảo quốc tế vừa diễn ra đã gợi mở ra các chính sách mới. Chia sẻ tại hội thảo, nhà đầu tư điện gió đến từ Australia cho rằng, Việt Nam sớm điều chỉnh chính sách về năng lượng tái tạo sẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Riêng doanh nghiệp này đang phát triển 5 dự án điện gió tại Việt Nam với mục tiêu cung cấp khoảng 15 tỷ kWh điện thương phẩm năm.

Ông Jonathan Cole, Tổng Giám đốc Công ty Điện gió ngoài khơi Toàn cầu Corio Generation cho hay: "Tại mỗi quốc gia lại có cách để xây dựng khung pháp lý mà chúng tôi cho rằng là phù hợp cho phát triển năng lượng gió ngoài khơi. Do vậy khi đầu tư vào Việt Nam, chúng tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ lựa chọn và đưa ra một chính sách thu hút đầu tư phù hợp nhất”.

Do chưa có kinh nghiệm nên nhiều nhà đầu tư đang gặp khó khăn trong phát triển năng lượng tái tạo. (Ảnh minh họa)

Một số ý kiến mong muốn có sự chuyển đổi từ cơ chế giá cố định sang các cơ chế bền vững hơn như đấu thầu, đấu giá hay mua bán điện trực tiếp; đầu tư công nghệ lưu trữ điện năng để vận hành hệ thống điện an toàn; hay xây dựng cơ chế chia sẻ đầu tư lưới điện truyền tải để đảm bảo giải tỏa công suất nguồn năng lượng tái tạo.

Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Bamboo Capital nói: "Nên có sự phối hợp giữa Chính phủ và các nhà đầu tư tư nhân để phát triển mạnh cả nguồn và lưới, nó đảm bảo việc phát triển năng lượng tái tạo một cách dài hạn và cân bằng được cơ sở hạ tầng của ngành điện trong tương lai".

Bà Kristina Buende - Trưởng ban Hợp tác, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho hay: "Hiện Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, năng lượng tái tạo chiếm tỷ lệ 15-20% trong tổng cung năng lượng sơ cấp. Việc hợp tác đầu tư, phát triển nguồn cân đối sẽ khẳng định Việt Nam là thị trường hấp dẫn nhất châu Á - Thái Bình Dương về năng lượng sạch".

Việt Nam đặt mục tiêu đến tiêu đến năm 2030 tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt từ 125-130 GW, tức mỗi năm cần khoảng 14 tỷ USD để đầu tư cho cả nguồn và lưới. Việc hoàn thiện chính sách để thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo sẽ góp phần thực hiện mục tiêu nói trên.

Năng lượng tái tạo dự kiến tăng kỷ lục vào năm 2022

Trước đó, IEA cho biết năng lượng mặt trời sẽ chiếm 60% trong tăng trưởng điện tái tạo trong năm 2022, vượt năng lượng gió và thủy điện.

Theo báo cáo của Cập nhật Thị trường Năng lượng Tái tạo tháng 5/2022 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), công suất điện tái tạo ở mức kỷ lục 295 gigawatt đã được bổ sung trong năm 2021 bất chấp tình trạng nguồn cung bị thắt chặt, hoạt động xây dựng bị trì hoãn và giá vật liệu tăng cao.

IEA dự kiến thế giới sẽ sản xuất thêm 320 gigawatt điện tái tạo trong năm nay, tương đương với toàn bộ nhu cầu sử dụng điện của Đức hay tổng công suất điện của Liên minh châu Âu (EU) sản xuất từ khí đốt tự nhiên. Năng lượng mặt trời sẽ chiếm 60% trong tổng công suất năng lượng tái tạo của năm, vượt năng lượng gió và thủy điện.

Căn cứ vào những chính sách hiện hành, công suất điện tái tạo trên thế giới dự báo sẽ giảm dần vào năm 2023, trong đó tăng trưởng công suất thủy điện giảm 40% và năng lượng gió không thay đổi nhiều so với năm nay, theo IEA chia sẻ.

Ông Chu Bá Thi, chuyên gia năng lượng của World Bank từng nhận định, để sớm thực hiện chuyển dịch năng lượng, hướng tới phát thải bằng 0 vào năm 2050 thì cần nhanh chóng tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo.

Cùng với đó, Việt Nam cần có lộ trình giảm thải nhà kính bằng các biện pháp loại bỏ dần nhiệt điện than. Nếu Việt Nam dừng phát triển điện than vào năm 2025, thay thế bằng các dạng năng lượng tái tạo và tăng công suất lên lưới bằng các nguồn lưu trữ thì có thể giảm phát thải tới 80%. Với kịch bản thực hiện theo Quy hoạch điện VIII đang được dự thảo, Việt Nam có thể giảm phát thải 40% vào năm 2040. Ngoài ra Việt Nam cần xây dựng phát triển chuỗi điện khí, gồm khung pháp lý và cơ chế giá, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn để thay dần cho điện than...