Ngọc Lan ·
1 năm trước
 6652

Góp ý Luật Đất đai (sửa đổi): Đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu

Hơn 2 tháng qua, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu, phát huy tối đa sức mạnh của từng đối tượng.

Sau hơn 2 tháng tổ chức lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), riêng Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành đã nhận được trên 1,3 triệu lượt góp ý. Còn trên website của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã nhận được gần 8.000 lượt ý kiến tâm huyết, sâu sắc của các tổ chức, cá nhân góp ý vào hầu hết các quy định trong toàn bộ dự thảo.

Hiện việc tổng hợp ý kiến nhân dân đang được thực hiện rất tích cực, đặc biệt là việc tập trung mọi nguồn lực để tiếp thu, giải trình đầy đủ, toàn diện, khách quan tất cả ý kiến của nhân dân được đặt lên hàng đầu.

Tới thời điểm này, các bộ, ngành, trung ương, Ủy ban nhân dân các địa phương đã hoàn thành Báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan của Quốc hội để giám sát việc tổng hợp ý kiến.

"Tất cả các cái báo cáo ngoài gửi cho Bộ Tài nguyên và Môi trường để tham mưu cho Chính phủ thì gửi cho cả Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, những cơ quan của Quốc hội để cùng với đó, thông qua đó thẩm định, giám sát việc tiếp thu giải trình của phía cơ quan soạn thảo. Chúng tôi hy vọng đã phân công rất cụ thể cho các cái nhóm chuyên gia trong các cái tổ biên tập theo dõi từng nội dung để tổng hợp, giải trình tiếp thu một cách tốt nhất", ông Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết.

Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được trình Chính phủ trước ngày 1/4 tới. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)

Hơn 2 tháng qua, việc tổ chức lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân đã đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu, bằng nhiều hình thức, có phân loại đối tượng, phát huy tối đa sức mạnh của từng đối tượng lấy ý kiến. Tuy nhiên, việc tổng hợp các ý kiến hiện được đánh giá là sẽ gặp khá nhiều thách thức khi số lượng ý kiến lớn, thông tin đa dạng.

"Chất lượng góp ý thì quả thật văn bản quá dài, quá khó, quá phức tạp, nên cũng khó đòi hỏi được góp ý một cách tổng thể, toàn diện và có chiều sâu. Thường là nó sẽ đi theo hướng người ta quan tâm vào một cái khía cạnh nhỏ nào đó, đặc biệt là liên quan đến ngành nghề, lĩnh vực của họ. Đấy cũng là cái tốt, nhưng cái khó là ý kiến như vậy thường xung đột nhau. Đây là bài toán khó để ban soạn thảo có thể tổng hợp xử lý được", Luật sư Trương Thanh Đức, Hội đồng Khoa học pháp lý, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, cho hay.

"Thách thức lớn nhất chính là làm sao chúng ta tập hợp được, tổng hợp được một cách đầy đủ. Cái chú trọng ở đây là cần phải nhấn mạnh tới thậm chí là phải có những nhân sự tốt, những người có am hiểu nhất định để trực tiếp tham gia vào tổng hợp, làm sao tổng hợp được đầy đủ và phản ánh đúng nhất, khách quan nhất, trung thực nhất ý kiến của người dân", ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhận định.

Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được trình Chính phủ trước ngày 1/4 tới. Việc lấy ý kiến nhân dân đóng góp cho dự thảo luật sẽ vẫn được tiếp tục thực hiện cho đến khi dự án luật được Quốc hội thông qua.