Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) 2023 dự kiến có nhiều điểm mới, thể chế hoá các quan điểm tiến bộ của Đảng thể hiện trong Nghị quyết số 18-NQ/TW
Về quy định liên quan đến quy hoạch
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi 2023 có quy định về Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất Quốc Gia; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; và Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện … Tuy nhiên,vẫn còn một số vấn đề bất cập như: Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi không nêu thứ tự ưu tiên của quy định về bảo vệ môi trường trong Luật BVMT. Nên Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần xác lập thứ tự ưu tiên của quy định về bảo vệ môi trường trong Luật Bảo vệ môi trường để phù hợp với nguyên tắc ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành;
Trong căn cứ lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, không có phần căn cứ vào chiến lược bảo vệ môi trường Quốc Gia và quy hoạch bảo vệ môi trường Quốc Gia. Do đó, Quy hoạch bảo vệ môi trường Quốc Gia là một trong các căn cứ để lập quy hoạch sử dụng đất.
Theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020: Quy hoạch, kế hoạch, dự án và hoạt động có sử dụng đất phải xem xét tác động đến môi trường đất, có giải pháp phòng ngừa ô nhiễm, suy thoái môi trường, bảo vệ môi trường đất.
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi 2023 đã có nhiều quy định về vấn đề bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu, mà cụ thể là tại khoản 41, Điều 3 định nghĩa về quy hoạch sử dụng đất) , Điều 60 về Nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất), Điều 63 về Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia; Điều 64. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; Điều 65 về Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện ….
Tuy nhiên, cách tiếp cận của Dự thảo Luật đất đai sửa đổi quy định về vấn đề bảo vệ môi trường không đủ sâu sắc và cụ thể như trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, nhưng cũng không dẫn chiếu tới quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020. Do đó, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi nên bổ sung các cụm từ dẫn chiếu tới quy định của Luật bảo vệ môi trường 2020 khi đưa ra các quy phạm về vấn đề bảo vệ môi trường. Một giải pháp khác, Dự thảo Luật đất đai sửa đổi nên đưa ra một nguyên tắc riêng cho các quy phạm liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường, trong đó dẫn chiếu tới Luật bảo vệ môi trường 2020.
Nói cách khác, để giải quyết được mối quan hệ giữa Luật Đất đai và Luật bảo vệ môi trường một cách rõ ràng, thì cần xác lập rõ nguyên tắc ưu tiên áp dụng của Luật Bảo vệ môi trường đối với các vấn đề chuyên ngành liên quan đến bảo vệ môi trường. Sự thiếu vắng các nguyên tắc sẽ dẫn tới nguy cơ áp dụng một cách tuỳ tiện hoặc bỏ sót các nghĩa vụ về bảo vệ môi trường, hoặc tạo ra sự chồng chéo về công tác thực thi pháp luật về sau.
Về thu hồi đất do vi phạm pháp luật môi trường
Tại Điều 80, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định 09 trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai, tuy nhiên, không có bất kỳ quy định nào liên quan đến thu hồi đất do vi phạm pháp luật về môi trường.
Trong số 09 trường hợp nêu trên, chỉ có trường hợp “Người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi hủy hoại đất mà tiếp tục vi phạm” thuộc diện bị áp dụng chế tài thu hồi đất.
Tuy nhiên, khoản 28, Điều 3, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi giải thích “Hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định”, và quy định tại khoản 3, Điều 3, Nghị định 91/2019/NĐ-CP về Xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai thì “Hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất hoặc gây ô nhiễm đất mà làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định, trong đó: a).……………………c) Gây ô nhiễm đất là trường hợp đưa vào trong đất các chất độc hại hoặc vi sinh vật, ký sinh trùng có hại cho cây trồng, vật nuôi, con người”.
Định nghĩa về huỷ hoại đất trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi 2023, Nghị định 91/2010/NĐ-CP nêu trên không đầy đủ và phản ánh hiệu quả nội hàm của khái niệm về vi phạm pháp luật môi trường.
Luật Bảo vệ môi trường 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành có quy định nhiều biện pháp xử lý vi phạm liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật môi trường, nhưng không thể quy định về vấn đề thu hồi đất do thẩm quyền liên quan đến thu hồi đất được xác lập cho Luật Đất đai.
Trong bối cảnh các vấn đề về bảo vệ môi trường ngày càng trở nên quan trọng trong đời sống kinh tế, các hoạt động vi phạm pháp luật về môi trường diễn ra một cách tinh vi và gây nhiều tác động xấu tới đời sống kinh tế và xã hội, thì việc đưa chế tài về thu hồi đất do vi phạm pháp luật môi trường là hết sức quan trọng, nhằm tạo khả năng răn đe và cảnh tỉnh các tổ chức, cá nhân có thực hiện các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực có sử dụng đất.