Tạ Nhị ·
49 tuần trước
 7920

Hà Nội có chính sách riêng nào dành cho công nhân về nhà ở xã hội?

Hà Nội sẽ có chính sách riêng để công nhân với mức lương bình quân 7 triệu đồng có thể tiếp cận được nhà ở xã hội.

Hưởng ứng Tháng Công nhân năm 2023, chiều 18/5, tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn YAMAHA Việt Nam (Khu Công nghiệp Nội Bài), UBND thành phố và Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã phối hợp tổ chức Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND thành phố với công nhân lao động Thủ đô.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì Hội nghị. Đại diện lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; các sở, ngành, quận, huyện có khu công nghiệp; Liên đoàn Lao động 28 quận, huyện; Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, Công đoàn cơ sở; một số doanh nghiệp và gần 1.000 công nhân lao động đã tham dự.

Ảnh minh họa. (Ảnh: ITN)

Đây là một trong những hoạt động thiết thực thể hiện trách nhiệm, tình cảm của lãnh đạo thành phố và tổ chức Công đoàn Hà Nội trong việc chăm lo quyền, lợi ích của người lao động. Đặc biệt, Hội nghị là dịp để đội ngũ công nhân được nêu kiến nghị, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng tới trực tiếp người đứng đầu UBND thành phố, mong muốn có những giải đáp và chỉ đạo cụ thể đối với từng vấn đề còn tồn tại, vướng mắc.

Thu nhập bình quân của người lao động là 7 triệu đồng

Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Thành phố cho biết, Hà Nội là địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp với số công nhân lao động (CNLĐ) đông đảo. Cụ thể, Hà Nội có trên 250.000 doanh nghiệp với khoảng 2,5 triệu lao động. LĐLĐ Thành phố cũng đang trực tiếp quản lý, chỉ đạo hoạt động 45 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở với gần 9.700 công đoàn cơ sở, gần 653.808 đoàn viên công đoàn. Trong đó, khu vực sản xuất kinh doanh có 6.268 công đoàn cơ sở, trên 458.000 đoàn viên công đoàn.

Năm 2022, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống, việc làm của phần lớn CNLĐ tiếp tục gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản; tình hình quan hệ lao động, thị trường lao động và đời sống, việc làm, thu nhập của CNLĐ cũng bị ảnh hưởng rất lớn; đã có hàng chục nghìn người lao động bị thiếu việc làm, mất việc làm, thu nhập giảm sút; tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, thanh toán chế độ một lần bảo hiểm xã hội trên địa bàn Thành phố tăng nhanh.

Tuy nhiên, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt Thành phố và sự nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp, người lao động và cả hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở; tình hình phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp những tháng đầu năm 2023 đã có nhiều khởi sắc; đời sống, việc làm của CNLĐ dần đi vào ổn định.

Đặc biệt, ngày 12-6-2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; theo đó, từ ngày 1-1-2023, tăng mức lương tối thiểu tháng trả cho người lao động đã hỗ trợ CNLĐ bớt khó khăn hơn.

Năm 2022, tiền lương bình quân chung của người lao động trên địa bàn Thành phố tăng hơn so với năm 2021 từ 2,94% đến 3,82%; thu nhập bình quân của người lao động đạt 6,6 triệu đồng/tháng. Riêng quý I-2023, thu nhập bình quân của người lao động là 7,0 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, với mức thu nhập của người lao động như trên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, do tình hình lạm phát người lao động phải chịu nhiều chi phí: thuê nhà trọ, gửi trẻ, giá hàng hóa tiêu dùng tăng cao. Đặc biệt, còn khó khăn hơn đối với CNLĐ ở các Khu công nghiệp và chế xuất.

Do đó, để phát triển nhà ở dành cho công nhân tại các khu công nghiệp, pháp luật về nhà ở đã có các chính sách ưu đãi để giảm giá thành nhà ở, tạo điều kiện cho người lao động có thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở có cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội.

Phấn đấu 100% khu công nghiệp có nhà ở xã hội cho công nhân

Về chính sách nhà ở xã hội cho người lao động, công nhân lao động rất mong Thành phố quan tâm chỉ đạo và tập trung đầu tư phát triển nhà ở xã hội dành cho Công nhân, người có thu nhập thấp, để công nhân lao động có chỗ ở ổn định, an cư, lập nghiệp. Đồng thời, mong Thành phố nhanh chóng triển khai các dự án nhà ở cho người lao động đã được phê duyệt để người lao động sớm hưởng lợi từ dự án

Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết: Trong những năm qua, UBND Thành phố đã ban hành Chương trình phát triển nhà ở Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021- 2030, Kế hoạch phát triển nhà ở Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch phát triển nhà ở xã hội Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, trong đó đã định hướng chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp.

Trong giai đoạn tiếp theo sẽ tiếp tục rà soát, dành ra quỹ đất để tiếp tục phục vụ công tác phát triển nhà xã hội trên địa bàn; rà soát điều chỉnh quy hoạch để bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội đồng bộ với các thiết chế công đoàn phục vụ nhu cầu nhà ở cho công nhân, người lao động.

Đồng thời, giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, Ban ngành, các quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện các giải pháp phát triển nhà ở xã hội cho công nhân với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất của Thành phố đến năm 2030 đều có khu nhà ở xã hội phục vụ công nhân, người lao động.

 Lãnh đạo Thành phố cho biết với quyết tâm cao, Hà Nội phấn đấu đến năm 2030, 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất của TP đến năm 2030 đều có khu nhà ở xã hội phục vụ công nhân, người lao động.

Giải đáp liên quan đến vấn đề nhà ở cho công nhân, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, Thành phố cố gắng đẩy nhanh tiến độ, dự án để trong nhiệm kỳ này khởi công được một số nhà ở xã hội theo kế hoạch, chương trình 1 triệu nhà ở xã hội cho người lao động theo chương trình của Chính phủ đã ban hành.

Các doanh nghiệp đã tương đối sẵn sàng, Thành phố mong muốn cuối năm 2023 và 2024 tập trung khởi công một số khu nhà. Làm đồng bộ, tập trung, quan tâm đến việc công nhân có thể tiếp cận được không dựa trên khoảng cách địa lý.

Hà Nội cũng sẽ có chính sách riêng để công nhân với mức lương bình quân 7 triệu đồng có thể tiếp cận được nhà ở xã hội, có tính khả thi.

Tới đây, thành phố cùng các sở ngành đang có những giải pháp quyết liệt, giảm thiểu việc công nhân phải đến cơ quan hành chính, cố gắng rút ngắn thời gian thực hiện hành chính công. Dự kiến, tháng 7 tới, UBND thành phố sẽ trình HĐND thành phố Hà Nội xây dựng đề án miễn giảm tất cả chi phí cơ bản phí nộp thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của thành phố với điều kiện làm trực tuyến. Theo đó, công nhân dành thời gian nhiều hơn cho lao động sản xuất, tăng năng suất, có thời gian nghỉ ngơi, giảm tối đa rủi ro.

Tạ Nhị