Tạ Nhị ·
1 năm trước
 8082

Mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội đến 2030 có thành hiện thực?

Giá nhà ở tại Việt Nam hiện cao hơn khoảng 20 lần so với thu nhập bình quân đầu người hàng năm, khiến người Việt Nam ngày càng khó sở hữu nhà ở.

Vẫn còn nhiều khó khăn bất cập

Chính phủ đã có những sáng kiến để hiện thực hóa mục tiêu nhà ở xã hội và giúp người dân cải thiện chất lượng cuộc sống, cụ thể như: Đề án xây dựng 1 triệu đơn vị nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; gói tín dụng 120.000 tỷ đồng phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; sửa đổi Luật Nhà ở 2014 để bổ sung nhiều chính sách thông thoáng và ưu đãi hấp dẫn; và các chính sách khác có liên quan để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.

Ảnh minh họa. (Ảnh: ITN)

Tính đến quý 1/2023, Việt Nam đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội tại đô thị và dự án nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp, với tổng quy mô gần 156.000 căn. Khoảng 401 dự án chuẩn bị được xây dựng, với tổng quy mô khoảng 454.000 căn. Tuy nhiên, nguồn cung đối với loại hình nhà ở này vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ so với nhu cầu.

Khảo sát của Bộ Xây dựng chỉ ra, nhu cầu về nhà ở xã hội cho công nhân thu nhập thấp tại các khu công nghiệp là khoảng 2,4 triệu căn cho giai đoạn 2021 – 2030.

Nếu tính hết cả nguồn cung hoàn thành hiện hữu và nguồn cung tương lai thì thị trường sẽ còn thiếu hơn 1 triệu căn, tương đương với 51% tổng nhu cầu.

Tại Việt Nam, đa phần các dự án nhà ở xã hội được phát triển bởi các chủ đầu tư trong nước. Một số chủ đầu tư điển hình có thể kể đến như HUD Việt Nam, BIC Việt Nam và Him Lam tại khu vực phía bắc. Khu vực miền trung có Xuân Phú Hải, Saigon Invest Group và Vicoland; Và phía nam có Nam Long, Hoàng Quân và Sacomreal cùng nhiều chủ đầu tư khác.

Tại thị trường Việt Nam, tính riêng năm 2023, thị trường Hà Nội dự kiến sẽ chào đón 6.117 căn nhà ở xã hội tại 11 dự án. TP.HCM cũng dự kiến xây dựng thêm 3.800 căn tại 6 dự án, theo số liệu từ đề án Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030.

Ở Việt Nam, để được mua nhà ở xã hội, người mua cần nằm trong diện ưu đãi, kèm thêm thỏa mãn một số điều kiện về thu nhập, diện hộ gia đình. Kể từ khi được luật hóa từ năm 2005, những quy định về người sở hữu cũng như nhà phát triển được cấp phép đã có nhiều thay đổi.

Dù luật dành cho nhà phát triển đã có nhiều thay đổi, tuy nhiên về phía người mua nhà ở xã hội vẫn còn nhiều khó khăn bất cập. Trong quá trình đăng ký mua nhà, người mua phải chờ bốc thăm và nộp nhiều loại giấy tờ chứng minh đủ điều kiện mua nhà ở xã hội. Quy trình kéo dài và phức tạp này khiến việc tiếp cận nhà ở xã hội ngày càng khó khăn đối với những người dân có nhu cầu thực sự và cấp bách về nhà ở.

Vấn đề là tổ chức thực thi

Hiện nay, nước ta đang có 3,78 triệu công nhân lao động trực tiếp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó có khoảng 1,8 triệu lao động có nhu cầu về nhà ở. Theo báo cáo của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, kết quả phát triển nhà ở xã hội cho công nhân chưa đáp ứng được nhu cầu.

Cụ thể đến nay, đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 126 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 62.700 căn hộ, với tổng diện tích 3.135.000 m2, mới đáp ứng được gần 30% nhu cầu của công nhân lao động. Có 127 dự án đang tiếp tục triển khai với quy mô xây dựng khoảng 160.900 căn hộ, tổng diện tích 8.045.000 m2.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, TS. Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hiện nay nhu cầu nhà ở của công nhân rất cao, đặc biệt là công nhân di cư. Tuy nhiên, hầu hết các khu công nghiệp, khu chế xuất đều không đáp ứng đủ nhu cầu này.

Với thu nhập khoảng 6-9 triệu đồng/tháng của công nhân di cư, mua nhà ở là việc rất khó khăn, thậm chí phải mất đến vài chục năm tích lũy. Vì vậy, có đến 80 - 90% công nhân phải thuê trọ tại khu dân cư.

Kết quả điều tra tại 16 tỉnh, thành phố trên cả nước cho thấy, có tới 41% công nhân trong các doanh nghiệp mong muốn có nhà ở phù hợp, giá rẻ, gần nơi làm việc, đảm bảo sinh sống.

TS. Vũ Minh Tiến cho rằng, để công nhân tiếp cận được với nhà ở giá rẻ, bên cạnh hoàn thiện chính sách, cần phải thay đổi cả nhận thức, hành vi của các cơ quan chức năng ở các cấp, cán bộ giải quyết thủ tục liên quan đến phát triển nhà ở, cấp phép, vay vốn...

Đặc biệt, cần có sự tham gia của Nhà nước, các tổ chức, người sử dụng lao động trong việc hỗ trợ, phát triển nhà ở cho công nhân. Ngoài ra, cần đầu tư cải tạo môi trường hạ tầng sinh sống, hạ tầng điện, đường của người lao động đang thuê tại các khu trọ.

Ngoài ra, cần tính toán phương án hỗ trợ cho công nhân; hỗ trợ các chủ đầu tư có nhà cho thuê, nhà ở xã hội phải gần khu công nghiệp; cơ cấu xây dựng nhà phải phù hợp với lối sống, thu nhập, gắn với đặc điểm của công nhân.

Để sản xuất và tiêu thụ hết 1 triệu căn căn nhà ở xã hội đến năm 2030, tức mỗi năm cần thanh khoản khoảng 150 ngàn căn, đó là một con số rất lớn. Vì vậy, kể cả cơ quan điều hành lẫn chủ đầu tư nên nghiên cứu thật kỹ lưỡng về nguồn cầu của từng địa phương để điều tiết nguồn cung phù hợp. Quan trọng nhất, để tăng xác suất đạt mục tiêu trên là tăng nguồn cầu bằng việc nới những tiêu chí liên quan đến đối tượng được mua (hộ khẩu, thu nhập), điều kiện chuyển nhượng, lãi suất vay mua.

Mới đây, Bộ Xây dựng vừa có công văn hướng dẫn việc xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư theo chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng. Trong đó đáng chú ý đối với đối tượng là cá nhân mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân phải có hợp đồng mua nhà ở xã hội với chủ đầu tư theo quy định pháp luật về nhà ở.

Chưa đề cập đến khả năng chi trả lãi suất, để tiếp cận với gói tín dụng này người có nhu cầu mua nhà cần phải đáp ứng điều kiện của Bộ Xây dựng lẫn Ngân hàng nhà nước. Câu chuyện từ chủ trương đến thực tế có thể lại phải kéo dài hơn khi người mua, người bán người bán lẫn người cấp tín dụng phải nỗ lực tìm điểm cân bằng giữa hàng loạt điều kiện.

Tạ Nhị