Thu hồi các dự án trường học chậm triển khai
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Hà Nội, thành phố hiện đang triển khai 514 dự án trường học, trong đó hơn 490 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư. Nếu các dự án trường học này hoàn thành sớm sẽ giảm áp lực quá tải trường công lập, nhất là đối với trường cấp 3 như hiện nay.
Các quận huyện sẽ phải tiếp tục rà soát các dự án chậm triển khai, cương quyết thu hồi các dự án đã hết thời hạn đầu tư, cho chuyển đổi quy hoạch làm trường học.
Sở GD-ĐT Hà Nội cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá về mức độ quá tải về trường, lớp, từ đó phân loại ưu tiên đầu tư công xây dựng trường tại các khu vực, không đầu tư dàn trải, để hạn chế tình trạng, nơi thiếu, nơi lại dư thừa.
Trường THPT Minh Hà (Thạch Thất )- ngôi trường THPT mới đi vào hoạt động. (Ảnh: ITN)
Mới đây, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chủ trì kiểm tra tiến độ xây dựng trường học công lập đạt chuẩn quốc gia và các dự án đầu tư xã hội hóa trường học chậm tiến độ, chậm triển khai trên địa bàn quận Hoàng Mai.
Trước khi làm việc với lãnh đạo quận Hoàng Mai, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã đi kiểm tra thực tế tại các ô đất nhận bàn giao từ Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) để xây dựng trường công lập trên địa bàn phường Hoàng Liệt; kiểm tra tiến độ dự án xây dựng trường Tiểu học - THCS Tân Mai (phường Tân Mai) và kiểm tra dự án xã hội hóa xây dựng tại ô đất nhà trẻ ký hiệu NT, ô đất trường tiểu học ký hiệu TH, tổng diện tích 13.643,7m2 tại khu chức năng đô thị Ao Sào (phường Thịnh Liệt).
Trên cơ sở đó, quận Hoàng Mai kiến nghị thành phố chỉ đạo, ban hành quyết định thu hồi đất chính thức 4 ô đất đã được Tổng HUD bàn giao nguyên trạng cho quận, làm cơ sở pháp lý giao quận thực hiện và đầu tư.
Quận cũng kiến nghị thành phố chấp thuận phương án hỗ trợ nguồn ngân sách thành phố giao quận thực hiện đầu tư công đối với 2 ô đất và chấp thuận thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đấu giá quyền sử dụng đất đối với 2 ô đất còn lại.
Đối với dự án khu vực chức năng đô thị Ao Sào, quận kiến nghị thu hồi 2 ô đất trường học tại đây, giao quận đầu tư xây dựng trường học bằng nguồn vốn ngân sách của quận…
Ngoài ra, lãnh đạo quận Hoàng Mai cũng đề nghị TP cho phép nâng thêm tầng cao đối với các dự án trường học khi đầu tư xây dựng.
Đối với dự án chậm triển khai, đang thực hiện các bước điều chỉnh hoặc được UBND thành phố chấp thuận, đề nghị đẩy nhanh tiến độ.
Trường hợp các nhà đầu tư không triển khai, kiến nghị thu hồi và giao nhà đầu tư đủ năng lực…
Đối với 4 ô đất quận đề xuất dành để xây dựng trường học, Chủ tịch UBND TP đồng ý với đề xuất và điều chỉnh lại quy hoạch cho phù hợp. Chủ tịch UBND TP. Hà Nội giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thu hồi 2 ô đất dự án ở khu đô thị Ao Sào với tinh thần quyết liệt, làm xong trong tháng 9/2023; sau đó bàn giao ô đất đó cho quận để tiến hành đấu giá đất theo quy định.
Hà Nội xây thêm 16 trường THPT công lập mới
Số liệu thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Năm học 2022 - 2023, toàn TP có 129.210 học sinh dự xét tốt nghiệp THCS (tăng khoảng 250 học sinh so với năm học 2021 – 2022). Dự báo trong 3 năm học tới, số học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS tiếp tục tăng mạnh.
Cụ thể: Năm học 2024-2025 dự kiến có khoảng 134.942 học sinh (tăng khoảng 5.732 em so với năm học 2023-2024). Năm học 2025-2026, dự kiến có khoảng 129.890 học sinh (tăng khoảng 680 em so với năm học 2023-2024). Năm học 2026-2027, dự kiến có khoảng 151.710 học sinh (tăng khoảng 22.500 em so với năm học 2023-2024).
Trước tình hình trên, UBND TP có Kế hoạch số 139/KH-UBND ngày 6/5/2022 về đầu tư xây dựng, cải tạo các trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp sau. Theo đó, đối với các trường thuộc trách nhiệm quản lý, đầu tư cấp TP có 139 dự án với tổng mức đầu tư 8.873 tỷ đồng; trong đó có 16 dự án xây dựng và thành lập mới trường THPT, 123 dự án đầu tư cho các trường hiện có.
Với 16 dự án xây dựng và thành lập mới trường THPT gồm có: THPT Minh Hà (huyện Thạch Thất); THPT Thọ Xuân (huyện Đan Phượng); THPT tại ô đất A11 (quận Cầu Giấy); THPT Uy Nỗ, THPT Nguyên Khê và THPT Việt Hùng (tại huyện Đông Anh); Trường Phổ thông chuyên biệt cho trẻ khuyết tật TP; xây dựng 7 trường phổ thông có nhiều cấp học có diện tích tối thiểu 5 ha (tại các quận, huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Sóc Sơn, Đan Phượng, Thạch Thất, Hà Đông); dự án trường THPT tại ô đất B2.5- THPT01 Khu đô thị Thanh Hà, xã Cự Khê; trường THPT Trung tâm đô thị vệ tinh huyện Sóc Sơn.
Thực hiện Nghị quyết số 21/2022/NQ-HĐND ngày 12/9/2022 của HĐND TP về quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn TP, UBND TP đã giao UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng các trường THPT; trường phổ thông dân tộc nội trú có cấp THPT.
UBND TP chỉ đạo đến hết năm 2023 các quận, huyện, thị xã phải hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư toàn bộ các dự án trường THPT trong danh mục đầu tư tại Nghị quyết 02/NQ-HĐND ngày 8/4/2022 của HĐND TP.
Với sự quan tâm của Thành ủy, HĐND và UBND TP, đến năm 2025, Hà Nội cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu cơ sở vật chất của các trường THPT công lập trên địa bàn.
Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6646869008706132/