Chính phủ vừa trình Quốc hội dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi với 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012).
Về quy định chính quyền tại Thủ đô, Chính phủ đề xuất thực hiện mô hình tổ chức chính quyền thành phố Hà Nội theo hướng không tổ chức HĐND phường, đồng thời bổ sung cấp chính quyền thành phố thuộc TP Hà Nội.
Việc bổ sung cấp chính quyền trong thành phố như vậy để hướng đến Hà Nội xây dựng thêm 2 thành phố mới ở phía Bắc và phía Tây.
Theo đó, 2 thành phố mới của Hà Nội dự kiến gồm: Khu vực phía Bắc là thành phố logistics, dịch vụ (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn); khu phía Tây là thành phố về giáo dục, đào tạo, khoa học (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai).
Những khu vực này sẽ có đặc thù vượt trội so với cơ cấu tổ chức của HĐND, UBND quận, huyện, thị xã theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, như tăng số lượng phó Chủ tịch HĐND (từ 1 lên 2), tăng số lượng phó Chủ tịch UBND (từ 3 lên 4), tăng đại biểu HĐND chuyên trách (từ 6 lên 9).
Phối cảnh Dự án thành phố thông minh tại huyện Đông Anh, Hà Nội.
Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho biết, hiện có rất nhiều yếu tố được xem là động lực để thành lập thành phố ở khu vực phía Bắc và phía Tây Thủ đô.
Mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô được xem là giải pháp tạo cơ chế cho chính quyền đô thị năng động, linh hoạt trong việc kêu gọi đầu tư phát triển nhờ tính độc lập tương đối. Ngoài ra, đây được coi là bước trung gian để giảm áp lực đầu tư và nâng cấp đô thị trung tâm thành đô thị đặc biệt.
Để định hình hai thành phố trực thuộc Thủ đô, KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng:
Thứ nhất, cần phải hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật-xã hội tốt, kết nối giao thông thuận tiện giữa thành phố trực thuộc và khu vực trung tâm thành phố chính, đặc biệt là nhà ở cho người thu nhập thấp. Cần dành nguồn lực để xây dựng nhà ở giá rẻ đáp ứng nhu cầu về nhà ở của nhân dân. Có được chỗ ở ổn định, có việc làm, giao thông công cộng thuận lợi, các nhu cầu về đi lại, giải trí, giáo dục, y tế, không gian xanh, không gian công cộng được đáp ứng… thì sẽ thu hút được cư dân từ các quận trung tâm di chuyển đến thành phố mới.
Thứ hai, khi đã là thành phố, dân số tăng lên thì vai trò của chính quyền đô thị sẽ càng đậm nét. Nhưng hiện nay chưa có chính quyền đô thị một cách đúng nghĩa. Theo ông Tùng, có thể tham khảo mô hình chính quyền đô thị tại các quốc gia trên thế giới là người đứng đầu với vai trò Thị trưởng thành phố cùng với một Hội đồng thành phố hỗ trợ cho thị trưởng. Hội đồng thành phố được cư dân bầu ra và vì lợi ích của cộng đồng cư dân, sẽ bao gồm những người tài giỏi, có phẩm chất, có văn hóa, có tri thức và không phân biệt thành phần, độ tuổi.
Sẽ có những người rất trẻ, đại diện cho tiếng nói của thế hệ cư dân trẻ trong xã hội đô thị. Chính quyền thành phố phải tìm ra các biện pháp quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên đất và nước, tạo ra nguồn lực kinh tế để phát triển thành phố bền vững, nâng cao đời sống cho cư dân… chứ không phụ thuộc vào thành phố chính, tiến tới đóng góp vào tăng trưởng GDP chung của Hà Nội.
Vì thế, cần đặt ra bài toán đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ cho chính quyền đô thị, chứ không phải cho một quận hay một huyện nào. Điều này đòi hỏi bên cạnh đề án Quy hoạch Thủ đô mới - một đề án quy hoạch đa ngành bao gồm cả quy hoạch hạ tầng, quy hoạch kinh tế, quy hoạch xây dựng… thì phải có đề án quy hoạch nguồn nhân lực.
Còn TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho rằng: Việc xây dựng 2 thành phố mới trong lòng Hà Nội là bước đi phù hợp, nhằm giảm tải cho các quận nội thành hiện nay.
Theo ông, việc TP.Hà Nội định hướng quy hoạch thêm 2 thành phố ở khu vực phía Bắc và phía Tây là xu thế tất yếu.
Tuy nhiên, theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, từ bài học của TP.Thủ Đức (TP.HCM), Hà Nội cần nhìn ra vấn đề để định hướng phát triển 2 thành phố trong tương lai một cách cụ thể hơn. Nếu không có sự chuẩn bị bài bản thì sau này lại sẽ xuất hiện những điểm nghẽn, cản trở sự phát triển của thành phố.
Mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô được xem là giải pháp tạo cơ chế cho chính quyền đô thị năng động, linh hoạt trong việc kêu gọi đầu tư phát triển nhờ tính độc lập tương đối. Ngoài ra, đây được coi là bước trung gian để giảm áp lực đầu tư và nâng cấp đô thị trung tâm thành đô thị đặc biệt.
Từ những động lực hiện có, mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc và phía Tây dần được định hình là định hướng đúng đắn, phù hợp trong xây dựng phát triển đô thị Hà Nội giai đoạn tới. Tuy nhiên, quá trình thực hiện mô hình này cần sự thận trọng trong nghiên cứu và phải chọn bước đi thích hợp cũng như những đột phá mới.
Hà Nội hiện có 12 quận, một thị xã và 17 huyện (đạt 43% đơn vị hành chính đô thị). Dự kiến đến năm 2030, Hà Nội sẽ có thêm 8 quận Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng, Thanh Oai, Thường Tín, Mê Linh.
Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6932206473505716