Với mục đích khảo sát, đánh giá chất lượng toàn bộ các biệt thự và một số công trình kiến trúc khác để xác định mức độ xuống cấp, nguy hiểm, UBND thành phố Hà Nội đang lên kế hoạch kiểm định, đánh giá chất lượng 1.216 biệt thự được xây dựng trước năm 1954. Từ đó sẽ có các khuyến nghị, những phương án giải pháp phù hợp với từng công trình.
Ảnh minh họa. (Ảnh: ITN)
Số biệt thự giảm dần
Được biết, tại danh mục nhà biệt thự cũ xây dựng từ trước năm 1954 do UBND TP. Hà Nội ban hành vào tháng 6/2022, Hà Nội có 1.216 nhà biệt thự cũ. So với danh mục năm 2013 là 1.253 biệt thự, năm 2022 số biệt thự đã giảm 37 căn. Trước đó, số biệt thự là 1.540 căn…
Các biệt thự này được chia làm 3 nhóm: nhóm 1 gồm 222 biệt thự; nhóm 2: 356 biệt thự và nhóm 3: 638 biệt thự. Các biệt thự này thuộc đối tượng quản lý theo Quy chế quản lý, sử dụng biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn thành phố.
Danh mục 24 biệt thự cũ ưu tiên kiểm định gồm: Biệt thự tại số 10 Điện Biên Phủ; 26 Điện Biên Phủ; 17 Điện Biên Phủ; 71 Quán Thánh; 34 Phan Đình Phùng; 42 Quang Trung; 46 Trần Hưng Đạo; 51 Lý Thái Tổ; 62 Phan Đình Phùng; 12 Nguyễn Chế Nghĩa; 63 Bà Triệu; 5 Lê Phụng Hiểu – 20 Tôn Đản; 67 Bà Triệu; 135 Phùng Hưng; 80 Nguyễn Du; 54 Nguyễn Du; 172 Bà Triệu; 36 – 38 Tăng Bạt Hổ; 28D Điện Biên Phủ; 83 Quán Thánh; 97 Quán Thánh; 12 – 14 Phan Đình Phùng; 36 Ngô Quyền; 55D Hàng Bài.
8 công trình kiến trúc khác ưu tiên kiểm định, gồm: Báo Hà Nội mới, số 44 Lê Thái Tổ; Tháp nước Hàng Đậu; Trụ sở công an thành phố, 87 – 89 Trần Hưng Đạo; Cột cờ Hà Nội, số 28B Điện Biên Phủ; Trường PTTH Phan Đình Phùng, 30 Phan Đình Phùng; Trường THPT Chu Văn An, số 10 Thuỵ Khuê; Trường THPT Trần Phú, số 8 Hai Bà Trưng; Trường THPT Việt Đức, số 47 Lý Thường Kiệt.
Với danh mục 222 biệt thự xếp nhóm 1, quận Ba Đình có số lượng biệt thự nhiều nhất với 111 biệt thự, quận Hoàn Kiếm có 87 biệt thự, quận Hai Bà Trưng có 21 biệt thự và quận Tây Hồ có 3 biệt thự. Sau khi kiểm định, 222 căn biệt thự thuộc nhóm 1 sẽ được quản lý dữ liệu và số hóa hồ sơ 3D.
Còn trong số 356 biệt thự xếp nhóm 2, quận Hoàn Kiếm có 159 biệt thự, quận Ba Đình có 112 biệt thự, quận Hai Bà Trưng có 78 biệt thự, quận Tây Hồ có 4 biệt thự; quận Đống Đa có 3 biệt thự.
Và 638 biệt thự xếp nhóm 3, quận Hoàn Kiếm có 237 biệt thự, quận Ba Đình có 216 biệt thự, quận Hai Bà Trưng có 166 biệt thự, quận Đống Đa có 13 biệt thự; quận Tây Hồ có 6 biệt thự.
Dựa vào Quy chế quản lý, sử dụng biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn thành phố, tất cả các nhà biệt thự thuộc danh mục quản lý không được tự ý phá dỡ.
Việc khảo sát chi tiết được thực hiện bằng các dụng cụ và thiết bị chuyên dụng: thí nghiệm, tính toán và đánh giá mức độ an toàn của kết cấu nhà và công trình. Từ đó, để xuất phương án xử lý tiếp theo như: tiếp tục sử dụng, sửa chữa, gia cường, hoặc các biện pháp can thiệp khác.
Đã đến thời điểm cần trùng tu
Việc trùng tu, bảo tồn nguyên trạng các công trình biệt thự Pháp cổ là một chủ trương đúng, để giữ được cả giá trị của công trình và công năng sử dụng, tránh tình trạng có những người chỉ nghĩ đến mặt bằng đất đai chứ không nghĩ đến giá trị công trình ở trên đất.
Nhưng để "cứu vãn" được lại như xưa là không còn khả năng, chỉ nên "cứu vãn" từng toà nhà, nếu nó có một giá trị nào đó theo tiêu chí đại diện chứ không nên giữ tất cả. Những nơi không bảo tồn cần được cải tạo lại để sử dụng hiệu quả cả về cảnh quan và là nơi ở. Như quận Hoàn Kiếm thời gian qua đã triển khai tôn tạo, trùng tu biệt thự số 49 phố Trần Hưng Đạo với mong muốn trở thành hình mẫu về thông tin, kinh nghiệm thực hiện để triển khai rộng hơn.
Bảo tồn như thế nào thì phải quy hoạch lại, đầu tiên là về quyền sử dụng. Nhà nước phải tổ chức cho người đang sử dụng hợp pháp ở biệt thự có giải pháp tốt nhất và công bằng nhất. Khi một chủ sở hữu thì mới làm được. Rồi phân loại, những biệt thự có giá trị thật đặc biệt, thật tiêu biểu thì cố gắng phục hồi như cũ. Nếu không có giá trị thì thôi.
Bên cạnh đó cần có hội đồng, các nhà chuyên môn về kiến trúc đánh giá, phân loại các biệt thự, quy định cụ thể về tỷ lệ, mật độ xây dựng phù hợp để tránh phá vỡ cảnh quan. Nhưng cũng đừng câu nệ quá là phải trùng tu theo kiểu cổ, bởi có những yếu tố hiện đại vào sẽ cải thiện môi trường sống cho người dân.
Có thời điểm quản lý, ta phá vỡ hết, chỉ tìm không gian sống. Đến nay chúng ta nhận ra và triển khai bảo tồn thì đã mất mát khá nhiều biệt thự, nhiều nơi đã bị phá dỡ xây cao ốc. Nhưng hiện nay, theo hồ sơ lưu trữ của người Pháp, họ vẫn thông báo cho chúng ta biết thời điểm những tòa biệt thự đã đến thời hạn phải trùng tu.
Để công tác bảo tồn có hiệu quả, Hà Nội cần xem xét lựa chọn những biệt thự tiêu biểu, có giá trị về nghệ thuật kiến trúc để tu bổ, tôn tạo và bảo tồn. Khi các biệt thự đã được phục hồi nguyên trạng hình thức kiến trúc ban đầu, sẽ giao cho các đơn vị Nhà nước hoặc tư nhân sử dụng vào kinh doanh du lịch.
Để làm được việc này phải có quy định hết sức rõ ràng và cơ chế giám sát chặt chẽ, người nào được giao thì người đó phải chịu trách nhiệm trước thành phố, phân công phân cấp rõ ràng gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Đồng thời phải tuyên truyền và có cơ chế, để người dân đang sống trong những biệt thự cùng chung tay với thành phố trong việc bảo tồn những công trình này, vì chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước thì rất khó để thực hiện.