Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn hiện có 1.579 nhà chung cư, tập thể cũ. Hầu hết các chung cư cũ này được xây dựng từ giai đoạn 1960-1992, có quy mô từ 2-5 tầng, kết cấu bằng tường gạch, bê tông ghép và tập trung chủ yếu tại 4 quận nội thành.
Từ năm 2005-2014, đã hoàn thành cải tạo xây dựng lại 19 dự án và 14 dự án đang triển khai. Từ năm 2014, sau khi Luật Nhà ở 2014, Nghị định 100/2015 được ban hành và có hiệu lực thi hành đến nay không có dự án mới nào được bổ sung thêm, tiến độ thực hiện chậm, kém hiệu quả. Sau gần 20 năm, Hà Nội mới chỉ có 1% chung cư cũ được cải tạo, sửa chữa trên tổng số hơn 1.500 chung cư cũ của thành phố.
22,125 tỷ đồng là mức kinh phí Hà Nội tạm cấp cho 5 quận: Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Cầu Giấy để cải tạo chung cư cũ.
Cụ thể, UBND TP.Hà Nội vừa có Quyết định số 4900/QĐ-UBND tạm cấp kinh phí cho các quận: Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Cầu Giấy để lập đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng, cải tạo lại các khu chung cư cũ năm 2022.
Tổng kinh phí tạm cấp là 22,125 tỷ đồng, từ nguồn điều hành tập trung (kinh phí các nhiệm vụ quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành) đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội.
UBND các quận nói trên có trách nhiệm bố trí kịp thời kinh phí lập các đồ án quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ năm 2022.
Trước đó, Thường trực HĐND TP.Hà Nội thống nhất tạm cấp gần 128 tỷ đồng từ ngân sách để các quận, huyện kiểm định chung cư cũ.
Nguồn kinh phí này được trích từ nguồn điều hành tập trung ngân sách thành phố năm 2022. Thường trực HĐND TP đề nghị UBND TP chỉ đạo thực hiện theo quy định, chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính pháp lý của hồ sơ, tổng hợp báo cáo HĐND TP.
Liên quan đến việc sử dụng ngân sách tạm cấp cho các quận, huyện để kiểm định chung cư cũ năm 2022, UBND TP.Hà Nội trước đó đã có văn bản chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở Xây dựng tham mưu, báo cáo UBND TP xem xét, quyết định việc bố trí ngân sách đúng chủ trương của Thường trực HĐND TP; đồng thời hướng dẫn UBND các quận, huyện sử dụng kinh phí đúng mục đích và quy định. Sở Xây dựng quản lý, theo dõi, đôn đốc việc kiểm định chung cư cũ.
Các kế hoạch dự kiến chia 4 đợt cải tạo chung cư cũ, trong đó đợt 1 lựa chọn triển khai ban đầu 10 khu chung cư cũ giai đoạn 2021-2025. Trong đó, cải tạo chung cư cũ 6 khu có tính khả thi (Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân) và 4 khu có nhà nguy hiểm cấp D (Giảng Võ; Thành Công, Ngọc Khánh; Bộ Tư pháp).
Bên cạnh đó, đôn đốc 14 dự án cải tạo chung cư cũ đang triển khai; rà soát bổ sung triển khai đối với nhà chung cư đơn lẻ cấp D (phát sinh trong quá trình kiểm định) còn lại trên địa bàn; xem xét triển khai đề án, dự án quy gom tái định cư các chung cư cũ đơn lẻ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cũng mới có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ. Trong đó khẳng định, Hà Nội và TP.HCM là nơi có nhiều nhà chung cư thuộc diện cải tạo, xây dựng lại nhưng thực hiện còn chậm. Chưa thực hiện tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch, chưa ban hành hệ số K bồi thường để làm cơ sở lập phương án bồi thường…
Đối với chung cư cũ đã hoàn thành kiểm định và lập quy hoạch chi tiết dự kiến xong trong quý IV/2022 thì có thể tổ chức lựa chọn Nhà đầu tư thực hiện dự án, thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư dự kiến trong quý I/2023, dự kiến khởi công cải tạo chung cư cũ trong quý II/2023. |