Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long vừa thay mặt Chính phủ gửi báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo luật Thủ đô sửa đổi.
Dự thảo luật Thủ đô sửa đổi đang được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 6. Hôm 10/11, dự thảo này đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận trong phiên thảo luận tổ với 81 lượt ý kiến phát biểu và 2 góp ý bằng văn bản.
Theo báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tổ về dự luật, Tổng thư ký Quốc hội cho biết, một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc quy định hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) trong dự thảo luật; đặc biệt là việc thanh toán hợp đồng BT bằng quỹ đất.
Theo đó, các ý kiến này cho rằng, trong quá trình Quốc hội xem xét, thông qua luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) thì thấy rằng việc thanh toán hợp đồng BT bằng đất bị thất thoát nhiều nên đã dừng việc thanh toán bằng đất.
Cũng có ý kiến đề nghị rà soát, quy định rõ hơn lĩnh vực được thực hiện hình thức hợp đồng BT vì một số quy định rất chung chung. Cùng đó, có ý kiến đề nghị quy định tiêu chí để xác định dự án được thực hiện theo hình thức hợp đồng BT thanh toán bằng vốn đầu tư công.
Ảnh minh họa
Về các vấn đề trên, cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết về hợp đồng BT, trước khi Luật PPP được ban hành, trên địa bàn TP Hà Nội đã triển khai các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất và thanh toán bằng tiền (có 11 dự án đã hoàn thành và 6 dự án đang triển khai thực hiện). Mặc dù việc triển khai các dự án BT còn nhiều khó khăn vướng mắc nhưng đã huy động được nguồn lực xã hội, góp phần phát triển đồng bộ, từng bước hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, góp phần chống ùn tắc giao thông, cải thiện môi trường trên địa bàn TP, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Các dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng BT thu hút rất nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Khi Luật PPP có hiệu lực, TP Hà Nội đã phải thông báo dừng triển khai 82 dự án đầu tư theo hợp đồng BT. Các dự án này chủ yếu là các dự án xây dựng đường giao thông, hệ thống xử lý rác thải, xử lý và tiêu thoát nước thải, cải tạo sông, rạch… Nếu các dự án này sớm được thực hiện theo hợp đồng BT thì sẽ có tác động to lớn tới sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô; đồng thời, huy động được nguồn lực của khu vực tư nhân giúp giảm áp lực về vốn đầu tư công đối với các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng có yêu cầu triển khai sớm nhưng chưa thu xếp được nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Hình thức hợp đồng BT thanh toán bằng đất (thường gọi là đổi đất lấy hạ tầng) đã được Quốc hội đưa ra khỏi luật PPP thông qua vào năm 2020. Tuy nhiên, tại Nghị quyết 98 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM Quốc hội đã cho phép TP.HCM được áp dụng loại hợp đồng này.
Phó Chủ tịch Thường trực CLB Bất động sản Hà Nội Nguyễn Thế Điệp cho biết, xét về bản chất dự án BT mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, vì nguồn lực của Nhà nước hiện nay không nhiều, thông qua những dự án BT đã huy động được nguồn lực lớn trong xã hội để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, những bất cập từ dự án BT trong thời gian qua xuất phát từ “lỗ hổng” từ pháp luật, cùng sự quản lý lỏng lẻo của các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn dẫn đến việc lợi dụng cơ chế để làm lợi cá nhân.
Nếu hạ tầng không tốt thì kinh tế không đi nhanh được, Nhà nước cần phải phát huy nguồn lực xã hội để kết cấu hạ tầng phát triển tốt hơn, nhanh hơn, đồng hành với công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những bất cập từ triển khai dự án BT xuất phát từ nguyên nhân chủ quan, do “lỗ hổng” về luật, sự quản lý lỏng lẻo của các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn dẫn đến việc lợi dụng cơ chế để làm lợi cho một số cá nhân.
Trong khi đó, KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường vụ Hội KTS Hà Nội cho rằng, thời gian qua trên thị trường liên tục xảy ra tình trạng “sốt đất” ở một số khu vực, điều này có sự liên quan không nhỏ từ những dự án BT, khi có thông tin xây cầu, làm đường, DN được đổi đất để làm dự án BĐS người dân đổ xô đi buôn đất, không ít người đã “ôm hận” vì dự án không thể triển khai. Bên cạnh đó, nhiều DN giàu lên nhanh chóng từ những dự án theo hợp đồng BT, không ít DN sau khi ký hợp đồng chỉ tập trung vào việc bán đất, bán nhà ở phần đất được quy đổi mà “bỏ quên” trách nhiệm đối với việc xây dựng hạ tầng như cam kết.
Việc TP Hà Nội thông báo hủy hơn 80 dự án BT ở thời điểm này không sớm nhưng cũng chưa muộn, vì thực tế với chừng ấy dự án TP sẽ phải đánh đổi hàng nghìn ha đất, trong khi đó quỹ đất của TP hiện nay không còn nhiều, mà còn cần phải dùng để phát triển nhiều hạ tầng công cộng khác chứ không chỉ tập trung riêng cho những dự án BĐS. Bên cạnh đó, quyết định hủy các dự án BT mới sẽ giúp hạn chế tình trạng sốt đất ở những khu vực đất đối ứng dự kiến giao cho DN và giảm việc đầu cơ BĐS trong thời gian tới - KTS Trần Huy Ánh nhìn nhận.
KTS Trần Huy Ánh cũng cho biết thêm, nếu quan ngại về việc dừng triển khai những dự án BT mới sẽ làm mất đi nguồn lực để phát triển hạ tầng, Nhà nước nên thực hiện đấu giá công khai, minh bạch diện tích đất công theo đúng mức giá thị trường. Qua đó bổ sung vào ngân sách dùng để phân bổ, đầu tư cho các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, sẽ tránh được bất cập đang xảy ra và không cho cơ hội để những DN “cá mập” giàu lên từ hình thức “hàng đổi hàng” bất hợp lý như vậy nữa.
Có nhiều “lỗ hổng” trong quy định pháp lý liên quan đến dự án BT, đơn cử như Luật Đấu thầu, đa phần DN khi đã bỏ tiền ra để giải phóng mặt bằng đều trúng thầu khi tham gia đấu thầu. Hoặc năm 2017 mới ban hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, nhiều điều quy định về dự án BT, nhưng 1/1/2018 mới có hiệu lực và không áp dụng được với những dự án BT đã triển khai trước thời điểm đó hay việc cho phép dự án BT được chuyển giao đồng thời với việc thực hiện công trình hạ tầng... GS. TSKH Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.
Theo Minh Anh/Diễn Đàn Sự Thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7120581561334872/