Minh Anh ·
51 tuần trước
 8017

“Siêu dự án” Vành đai 4 ra sao sau 5 tháng khởi công?

Sau 5 tháng khởi công, các gói thầu của dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô đang tiến hành triển khai, đẩy nhanh tiến độ từng ngày.

Đứng trước thực trạng đường vành đai 3 đang trở nên quá tải thì vào ngày 16/06/2022, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 nhằm giảm áp lực cho giao thông nội đô và các tuyến đường hiện hữu.

Tổng mức đầu tư của dự án là 85.813 tỷ đồng (nguồn vốn ngân sách nhà nước là 56.366 tỷ đồng, chiếm 66%, còn lại là vốn do nhà đầu tư 29.447 tỷ đồng chiếm 34%). Công trình chính thức khởi công vào ngày 25/06/2023 tại cả 3 địa phương Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên. Dự kiến đường Vành đai 4 hoàn thành vào năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Tuyến đường này dài 112,8km, đi qua (58,2km), Hưng Yên (19,3 km) và Bắc Ninh (35,3km). Điểm đầu dự án tại điểm nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai và điểm cuối nối cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Tổng diện tích thu hồi, giải phóng mặt bằng để phục vụ dự án là khoảng hơn 1.386ha.

Dự án được chia thành 7 dự án thành phần (3 dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; 3 dự án đầu tư xây dựng đường song hành theo hình thức đầu tư công và 1 dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư), vận hành độc lập với diện tích thu hồi, giải phóng mặt bằng khoảng hơn 13,86 km2. Dự án tổng mức đầu tư gần 86.000 tỷ đồng, lớn nhất trong các dự án đầu tư công khu vực phía Bắc.

Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ tạo kết nối giao thông đồng bộ từ Hà Nội đến các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Hưng Yên. Tuyến đường trọng điểm này đóng vai trò tiếp nhận, giải tỏa giao thông, hạn chế ùn tắc giao thông trên các tuyến đường của Thủ đô.

“Siêu dự án" nghìn tỷ đang dần thành hình

Đường vành đai 4 khởi công vào ngày 25/6/2023. Thời gian thi công dự kiến là 1080 ngày (gần 3 năm). Theo thiết kế, đường Vành đai 4 sẽ rộng 14 làn xe, trong đó có 6 làn đường cao tốc ở giữa và 8 làn đường song hành (đường đô thị) ở 2 bên.

Mộc góc dự án đường vành đai 4

Trải qua 5 tháng thi công, “siêu dự án" 86.000 tỷ đang dần thành hình. Tính đến 18/11, dự án đã phê duyệt và thu hồi được khoảng 727 ha đất (đạt gần 92%). Trong đó, huyện Sóc Sơn thu hồi 48,05/48,23 ha; Mê Linh 124,70/141,50 ha; Đan Phượng 70,30/72,40 ha; Hoài Đức 216,45/239,63 ha; Hà Đông 65,36/68,16 ha; Thanh Oai 79,89/86,94 ha; Thường Tín 121,86/134,54 ha. Ngoài ra, tổng số mộ đã di chuyển là 6.621/9.378 ngôi, đạt 70,6%.

Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông đã nhận 654 ha đất, đạt 90% diện tích đất đã thu hồi giải phóng mặt bằng.

Đã khởi công, đang thực hiện 9/13 khu tái định cư. Trong đó, huyện Mê Linh đang thực hiện 1 khu; huyện Đan Phượng 1 khu; Hoài Đức 2 khu; Thanh Oai 1 khu; Thường Tín đang thực hiện 3 khu và đã hoàn thành 1 khu.

Về tình hình thực hiện các dự án thành phần, với dự án thành phần 2.1, các nhà thầu thi công đã hoàn thiện thủ tục thi công xây dựng và đang tổ chức 29 mũi thi công (gồm 21 mũi thi công đường và 8 mũi thi công cầu).

Đã thi công bóc đất hữu cơ lên khuẩn đường khoảng 126.465/712.468 m3, đắp cát nền đường K95 khoảng 90.839/1.850.208 m3, đang triển khai thi công cắm bắc thẩm và cọc thử cọc đất xi măng xử lý nền đất yếu; thi công cọc khoan nhồi và đúc dầm các cầu: Cả Lồ, sông Nhuệ, sông Tô Lịch, Khê Tang....

Với dự án thành phần 3, UBND Thành phố đã hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án và đã có văn bản gửi Hội đồng thẩm định Nhà nước.

Cập nhật tình hình giải ngân, thanh toán, UBND TP Hà Nội thông tin kế hoạch vốn đã bố trí đến nay là gần 9.179 tỷ đồng (bao gồm gần 9.149 tỷ đồng vốn ngân sách Thành phố và gần 30 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương). Đã giải ngân gần 6.660 tỷ đồng, đạt 72,6%, trong đó Ban Quản lý dự án đã giải ngân 953,14 tỷ đồng và các quận, huyện đã giải ngân 5.706,4 tỷ đồng.

Liên quan đến những khó khăn, vướng mắc, Thành phố cho biết các địa phương mới hoàn thành giải phóng mặt bằng chủ yếu thuộc phạm vi đất nông nghiệp; chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng để bàn giao đối với đất ở, đất tín ngưỡng, đất hộ gia đình, tổ chức; chưa hoàn thành công tác xây dựng các khu tái định cư.

Bên cạnh đó, tổng số mộ chưa được di chuyển còn lại rất lớn (2.782 ngôi). Công tác di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật (công trình ngầm, nổi) thực hiện còn chậm, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác triển khai thi công.

Chưa kể dự án thành phần 3 là dự án hình thức PPP đầu tiên được triển khai sau khi Luật đầu tư PPP có hiệu lực. Do đó, việc triển khai còn vướng mắc một số bất cập của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Trong năm 2024, TP Hà Nội đặt nhiệm vụ hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư và khởi công thi công xây dựng hệ thống đường cao tốc thuộc Dự án thành phần 3 đầu tư theo phương thức PPP.

Theo Minh Anh/Diễn Đàn Sự Thật 

https://web.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7119727784753583/