UBND TP. Hà Nội vừa quyết định lập quy hoạch chi tiết 1/500 để xây dựng lại 23 chung cư cũ với khoảng 6.000 dân ở khu tập thể Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy.
Khu vực nghiên cứu lập quy hoạch rộng khoảng 30ha, thuộc phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, phía bắc trùng với tim đường Hoàng Quốc Việt, phía tây trùng với mép vỉa hè đường Nguyễn Phong Sắc, các phía còn lại trùng với tim phố Tô Hiệu.
Tập thể Nghĩa Tân gồm 23 nhà chung cư, cao từ 3 đến 5 tầng, diện tích trung bình căn hộ 18-20m2, xây dựng năm 1987. Trong gần 30ha diện tích nghiên cứu lập quy hoạch có gần 5ha đất là nhà chia lô được xây dựng, ăn ở ổn định, đã cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở.
Khu tập thể Nghĩa Tân gồm 23 nhà chung cư, cao từ 3 đến 5 tầng, diện tích trung bình căn hộ 18 - 20m2, xây dựng năm 1987.
Hà Nội dự kiến dành 1,2 tỉ đồng từ nguồn ngân sách để nghiên cứu lập quy hoạch khu tập thể Nghĩa Tân có diện tích khoảng 30ha, bao gồm nhiệm vụ lấy ý kiến dân cư và thực hiện công tác thầu.
Khu tập thể đã nhiều lần được lên kế hoạch cải tạo nhưng chưa thực hiện được. Cụ thể, năm 2004 Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội từng thực hiện xong việc điều tra xã hội học và lên kế hoạch thuê tư vấn nước ngoài lập quy hoạch tổng mặt bằng 1/500 để trình thành phố. Chủ đầu tư cũng đã xin điều chỉnh hệ số sử dụng đất để có thể xây dựng chung cư 40-50 tầng trên nền những tòa nhà tập thể 3-5 tầng như hiện nay.
Năm 2016, thành phố có chủ trương lập quy hoạch cải tạo tổng thể các khu chung cư bằng hình thức xã hội hóa. Tập thể Nghĩa Tân cũng được một doanh nghiệp đăng ký cải tạo và đã lên phương án quy hoạch kiến trúc.
Thống kê đến năm 2020, TP. Hà Nội có hơn 1.500 nhà chung cư cũ, bao gồm gần 1.300 nhà thuộc 76 khu chung cư. Ngoài ra, còn có 306 chung cư cũ độc lập, được xây dựng từ những năm 1960-1994 và trước năm 1954.
Từ năm 2005, Hà Nội bắt đầu cải tạo các khu chung cư cũ. Tuy nhiên, do một số bất cập và sự thay đổi chính sách nên đến nay mới có 19 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ hoàn thành, đưa vào sử dụng (chiếm 1,2% tổng số nhà ở chung cư cũ) và 14 dự án đang triển khai.
Ghi nhận tại một số tòa nhà thuộc khu tập thể Nghĩa Tân cho thấy, sau hàng chục năm xây dựng, khu tập thể đã xuống cấp nghiêm trọng. Tình trạng cơi nới “chuồng cọp, chuồng chim” ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu nhà. Gần như toàn bộ các căn hộ đều có tình trạng cơi nới, cá biệt có căn hộ tầng 3 nhà C4 cơi nới gần 3m vươn ra ngõ đi chung.
Tình trạng xuống cấp, mưa là thấm tường, ngấm nước cũng diễn ra ở hầu hết các tòa nhà, nhưng phần lớn người dân đều không mặn mà với việc cải tạo.
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết, Sở đã phê duyệt dự toán lập quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Nghĩa Tân. Cùng giai đoạn 1 (2021-2025), của kế hoạch còn có các khu chung cư: Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh (quận Ba Đình) Trung Tự, Kim Liên, Khương Thượng (quận Đống Đa), Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân).
Theo TSKH. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, việc sau hơn 20 năm thực hiện chủ trương cải tạo chung cư cũ, Hà Nội mới chỉ thực hiện được khoảng 1% khối lượng đang đặt ra nhiều bài học và yêu cầu giải pháp về quy hoạch.
Theo ông Nghiêm, đối với công tác kiểm định, Hà Nội đã kiểm định ngay cả trong quy hoạch, hiện nay cũng có thể thu thập dữ liệu từ rất nhiều nguồn thậm chí là từ dữ liệu dân cư, dữ liệu y tế... do đó không cần phải kiểm định lại tất cả, cải tạo đến đâu thì kiểm định đến đó.
Bên cạnh đó, ông Nghiêm cũng cho rằng, một trong những giải pháp có thể tính đến xã hội hoá việc lập quy hoạch chi tiết và dự án thông qua lựa chọn chủ đầu tư hoặc đấu thầu. Thí điểm mô hình "doanh nghiệp cộng đồng" với sự tham gia của Nhà nước và doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp về xây dựng.
Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6805044032888628/