Sáng ngày 29/3, tại Kỳ họp thứ 15 (Kỳ họp chuyên đề), HĐND TP. Hà Nội khóa XVI đã thông qua Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với 92,55% đại biểu có mặt tán thành.
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội xác định cấu trúc không gian phát triển của Thủ đô Hà Nội gồm: 5 không gian phát triển, 5 hành lang và vành đai kinh tế, 5 trục động lực, 5 vùng kinh tế - xã hội, 5 vùng đô thị. Cùng với TP Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội đóng vai trò là cực tăng trưởng của đất nước, có vị trí trọng yếu trong tam giác động lực của vùng Đồng bằng sông Hồng (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh) và tứ giác phát triển khu vực miền Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Thanh Hóa).
Quy hoạch Thủ đô đã đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển. Trong đó nhấn mạnh đến vấn đề bảo vệ môi trường, giải quyết triệt để ô nhiễm sông Tô Lịch, làm sống lại hình ảnh dòng sông xanh, sạch, gắn liền với văn hóa - lịch sử Thủ đô.
Xử lý ô nhiễm môi trường các sông Nhuệ, Đáy, Lừ, Sét... để đảm bảo nguồn nước tưới an toàn cho nông nghiệp, tạo không gian xanh cho phát triển đô thị.
Điểm nhấn quan trọng của quy hoạch là sẽ làm ‘sống lại’ sông Nhuệ - Đáy cũng như sông Tô Lịch.
Quy hoạch cũng nêu rõ tình trạng ô nhiễm không khí, nước , đấy chậm được khắc phục . Đặc biệt, chất lượng nước sông Đáy, Nhuệ vẫn không có dấu hiện được cải thiện, luôn duy trì ở mức kém hoặc rất kém. Kết quả quan sát phản ánh tình trạng tại các sông nội thành như Tô Lịch, Kim Ngưu, Sét, Lừ đều cho ra kết quả ô nhiễm nặng.
Theo đó Hà Nội sẽ phân vùng xử lý nước thải theo khu vực với quy mô phù hợp, đảm bảo hiệu quả trong thu gom và công suất xử lý. Đảm bảo quy mô nhà máy xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu phát triển trên địa bàn Thủ đô, tạo dòng chảy các sông Tô Lịch, sông Tích góp phần làm sạch sông, hồ trong đô thị trung tâm.
Đặc biệt sẽ hạn chế hoặc tạm ngừng việc khai thác cát trên sông Hồng. Qua đó góp phần nâng cao mực nước sông Hồng để tăng khả năng lấy nước vào các sông Đáy - Nhuệ, Tô Lịch và hệ thống công trình thủy lợi khác.
Theo Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội, trung bình một ngày đêm sông Tô Lịch phải tiếp nhận hơn 100 nghìn m3 nước thải sinh hoạt và công nghiệp chưa qua xử lý. Thế nên, dù được cải tạo, nạo vét và kè bờ đều đặn hằng năm, tình trạng ô nhiễm của sông Tô Lịch vẫn được đánh giá là nghiêm trọng với các chỉ số vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần.
Chảy qua nhiều khu dân cư đông đúc, đáng ra con sông này phải là “lá phổi xanh”, tạo cảnh quan quý giá cho đô thị thì nó lại trở thành nỗi ám ảnh với người dân và du khách.
Để làm "sống lại" dòng sông Tô Lịch, thời gian qua, Hà Nội triển khai nhiều dự án quan trọng. Trong đó, nổi bật là dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá có công suất 270.000m³/ngày đêm, được khởi công vào tháng 10/2016.
Đến nay, dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đã cơ bản hoàn thành. Dự kiến trong quý 2/2024 sẽ vận hành thử nghiệm nhà máy. Tuy nhiên tồn tại lớn nhất của dự án là việc xây dựng hệ thống dẫn nước thải về nhà máy để xử lý.
Chia sẻ với báo Gia đình & Xã hội PGS.TS NSH Hà Đình Đức cho rằng: "Ở góc độ chuyên gia và cả là góc độ người dân, tôi rất muốn dòng sông ô nhiễm Tô Lịch được cải tạo. Chỉ cần làm sạch phần nào để bớt ô nhiễm, bớt mùi hôi thối thôi, chứ chưa nói đến là "biến" sông này thành công viên hay điểm du lịch. Nếu như thực sự cải tạo được sông Tô Lịch thì đó là dấu ấn ngàn năm của Thủ đô chứ không phải là dấu ấn trăm năm".
Ông cũng nhấn mạnh rằng, là sông là phải có dòng chảy, sông không có dòng chảy ắt là sông "chết". Muốn làm sông "sống" lại, trước tiên là phải xử lý nước thải, tiếp đến mới tạo dòng chảy.