Tạ Nhị ·
51 tuần trước
 6912

Hà Nội sắp kiểm định 8 công trình kiến trúc Pháp cổ nào?

Hà Nội dự kiến sẽ kiểm định chất lượng hàng nghìn biệt thự trên địa bàn, trong đó ưu tiên 8 công trình kiến trúc thuộc sở hữu nhà nước do thành phố quản lý nhằm phục vụ kế hoạch của UBND thành phố về bảo tồn, chỉnh trang.

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đã ký ban hành Kế hoạch số 115/KH-UBND về việc khảo sát, đánh giá và kiểm định chất lượng biệt thự và một số công trình kiến trúc khác trên địa bàn Thành phố theo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy.

Theo đó, bên cạnh 24 biệt thự cổ sẽ có 8 công trình kiến trúc đặc biệt khác cũng được ưu tiên kiểm định, đánh giá chất lượng chi tiết, mục đích nhằm xác định mức độ xuống cấp, mức độ nguy hiểm của các công trình để có giải pháp, phương án cải tạo, chỉnh trang cho khu vực nội đô lịch sử cũng như khu vực ngoại thành.

Danh mục 8 công trình kiến trúc cổ xây dựng từ trước năm 1954 được ưu tiên kiểm định, gồm:

Bốt Hàng Đậu (quận Ba Đình) ban đầu có tên là Đài Đầu, Tháp nước Hàng Đậu, Nhà máy nước tròn. Được xây dựng vào năm 1894, Tháp nước Hàng Đậu còn có mặt trước cả cầu Long Biên, tháp có hình trụ tròn với đường kính khoảng 19m và tường cao hơn 20m, tính cả nóc thì cao đến 25m, tổng dung tích của tháp là 2.500m3, họa tiết theo phong cách bài trí trong kiến trúc Pháp.

Cột cờ Hà nội còn được gọi là Kỳ đài, nằm trên đường Điện Biên Phủ (quận Ba Đình), được xây dựng năm 1812, dưới thời Vua Gia Long triều Nguyễn, trên phần đất phía nam của Hoàng thành Thăng Long, nơi xây tòa thành Tam Môn của Hoàng thành Thăng Long thời Lê.

Công trình có kết cấu dạng tháp gồm 3 tầng đế và một thân cột với tổng chiều cao là 41,4m, chức năng của tháp là một đài quan sát nội và ngoại thành lúc bấy giờ, đây cũng là lý do chính Pháp đã không phá hủy di tích này. Hiện, cột cờ Hà Nội là công trình còn nguyên vẹn trong quần thể di tích Hoàng thành Thăng Long.

Trụ sở Công an TP Hà Nội (số 87 - 89 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm) cũng thuộc một trong những công trình cổ của Thủ đô Hà Nội cần được kiểm định và bảo tồn.

Tòa soạn báo Hànộimới (44 Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm) được xây dựng vào năm 1893 theo phong cách kiến trúc thịnh hành của Pháp. Đây là một trong những điểm nhấn của khu vực hồ Hoàn Kiếm.

Tòa soạn Báo Hà Nội mới hiện còn giữ nguyên được nét độc đáo với lối thiết kế gồm 3 tầng chính, một tầng áp mái và được tô sơn vàng nhạt đặc trưng.

Trường THPT Chu Văn An ở số 10 Thụy Khuê (quận Tây Hồ), tiền thân là Collège du Protectorat (Trường trung học Bảo hộ) do chính quyền Pháp xây dựng năm 1908. Tổng diện tích của trường THPT Chu Văn An là 42.000m2 với 13 tòa nhà, trong đó ,tòa nhà cổ nhất khuôn viên trường là thư viện hay còn gọi là nhà bát giác.

Trường THPT Phan Đình Phùng (30 Phan Đình Phùng, quận Ba Đình) ra đời vào năm 1923, mới đầu trường có tên là École Normale Supérieur Đỗ Hữu Vị, lấy tên theo phi công đầu tiên của Đông Dương. Trong ảnh là khối nhà văn phòng của trường xưa được bố trí trong một biệt thự 2 tầng quay ra phố Phan Đình Phùng.

Trường THPT Trần Phú (quận Hoàn Kiếm) vốn là trường Petit Lycée, do kiến trúc sư C.G. Lichtenfelder thiết kế, được xây dựng năm 1907. Ban đầu, đây là trường tiểu học dành cho nữ, sau thành trường trung học.

Năm 1960, trường chia thành 2 ca học, buổi sáng là trường THPT Hoàn Kiếm, buổi chiều là trường THPT Trần Phú. Năm 1995, 2 trường sáp nhập, lấy tên là trường THPT Trần Phú. Đến tháng 2/2009, trường đổi tên thành THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm, để phân biệt với một trường cùng tên trên địa bàn Hà Nội.

Trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm) vốn là trường Dòng được khánh thành năm 1897. Kiến trúc của trường Dòng Puginier xưa là một tòa nhà 3 tầng khép kín có hành lang chạy xung quanh.

Giai đoạn 1970 - 1997, trường được chia tách thành 2 trường riêng, một mang tên THPT Việt Đức (học buổi sáng), một mang tên THPT Lý Thường Kiệt (học buổi chiều). Năm 1997, trường THPT Việt Đức và THPT Lý Thường Kiệt sáp nhập thành THPT Việt Đức.

Các biệt thự này được đánh giá xếp nhóm 1, nhóm 2 thuộc sở hữu nhà nước nằm trong danh mục biệt thự không được bán, hiện nhà nước quản lý, sử dụng; các biệt thự, công trình kiến trúc có giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc; biệt thự, công trình kiến trúc khác đang sử dụng làm trụ sở, các đại sứ quán; biệt thự, công trình kiến trúc khác xuống cấp, chưa được cải tạo, sửa chữa.

Theo kế hoạch, việc kiểm định, đánh giá chất lượng chi tiết 24 biệt thự và 8 công trình kiến trúc phải thực hiện xong trước 30/9/2023.

Đối với 1.192 biệt thự còn lại, sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá sơ bộ bằng phương pháp trực quan và chuyên gia, đưa ra đánh giá dựa trên các dấu hiệu bên ngoài của các kết cấu và phải hoàn thành xong trước ngày 30/6/2024.

Tạ Nhị