Minh Anh ·
23 tuần trước
 7920

Khai thác đất hiếm tại Việt Nam: "Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế"

Câu chuyện xoay quanh khoáng sản đất hiếm tại Việt Nam đang là vấn đề được dư luận hết sức quan tâm.

Đất hiếm là loại khoáng sản đặc biệt, là yếu tố chủ chốt của ngành khoa học và công nghệ thế giới. Các nhà khoa học thì gọi đất hiếm là những nguyên tố của tương lai. Nhiều nước coi đất hiếm là vàng của thế kỷ XXI, thậm chí của cả thế kỷ XXII. Theo một số nghiên cứu, thị trường đất hiếm thế giới có giá trị khoảng 8,1 tỷ USD và sẽ tăng lên đến 14,4 tỷ USD vào năm 2025.

Dù được thăm dò, đánh giá trữ lượng từ hơn 40 năm nay song đến nay Việt Nam vẫn chưa khai thác và chế biến được mỏ đất hiếm nào. Một trong những nguyên nhân chính là chúng ta chưa có công nghệ khai thác, chế biến đất hiếm. Mà đây lại là lĩnh vực các nước giữ độc quyền, không chuyển giao công nghệ.

Ảnh minh họa.

Cơ hội và thách thức

Trao đổi với Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, PGS.TS Nguyễn Phương - Phó Chủ tịch thường trực Hội Địa chất Kinh tế Việt Nam cho biết, việc nghiên cứu, đánh giá thăm dò, khai thác đất hiếm đã được Đảng và Nhà nước quan tâm từ nhiều năm về trước. Theo số liệu thống kê, Việt Nam có trữ lượng đất hiếm xác định vào khoảng 22 triệu tấn.

Không thể phủ nhận, chúng ta là một nước có trữ lượng đất hiếm lớn. Trữ lượng xác định của Việt Nam là thế, thế nhưng số lượng khai thác được còn rất hạn chế, nguồn tài nguyên đó vẫn ở trong lòng đất, để chuyển thành hiệu quả kinh tế vẫn còn cả một chặng đường dài.

"Thời kỳ 4.0, đất hiếm được ứng dụng rất nhiều trong các ngành công nghệ cao. Trung Quốc là một cường quốc về đất hiếm, họ khai thác khoảng 170 điểm mỏ và xuất khẩu đi các nước. Trong bối cảnh địa chính trị như hiện nay, thì rõ ràng đất hiếm giống như một lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc trên trường quốc tế. Chính vì vậy, cộng đồng quốc tế cũng rất mong muốn Việt Nam tham gia vào thị trường đất hiếm của thế giới.

Hiện nay, Việt Nam đang trong thời kỳ hội nhập với thế giới, các mối quan hệ về thương mại đang rất mở. Cùng với tiềm năng vốn có, nguồn nhân lực dồi dào, tình hình chính trị ổn định, nhiều quốc gia hi vọng rằng, Việt Nam sẽ trở thành nguồn cung đất hiếm lâu dài. Thế nhưng, nếu nhìn thẳng vào thực tế, chúng ta chưa làm chủ được công nghệ chế biến sâu đất hiếm để cho ra sản phẩm có giá trị cao ở quy mô công nghiệp. Công nghệ tách, chiết nguyên tố đất hiếm của chúng ta mới ở quy mô phòng thí nghiệm", ông Phương phân tích.

Hợp tác cùng phát triển

Hiện nay, một số ý kiến cho rằng, khi Việt Nam chưa làm chủ được công nghệ chế biến sâu đất hiếm thì không nên khai thác ở thời điểm hiện tại, tránh lãng phí và thất thoát nguồn tài nguyên quý giá này. Trong tương lai, khi làm chủ được công nghệ chế biến sâu đất hiếm, khi ấy mới tính đến chuyện khai thác.

Về quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Phương cho rằng, hiện nay công nghệ phát triển rất nhanh chóng, nên phương thức chế biến đất hiếm cũng sẽ thay đổi rất nhanh. Trước đây, chu kỳ thay đổi công nghệ thường là 10 -15 năm, nhưng giờ đây hoàn toàn có thể rút ngắn xuống còn 3-5 năm.

Điều quan trọng là chúng ta phải dự báo được nhu cầu sử dụng đất hiếm của thị trường quốc tế và cả thị trường trong nước, qua đó lập quy hoạch và chiến lược cụ thể. Cũng như nhiều loại khoáng sản quan trọng khác, đất hiếm cũng có những mỏ dự trữ. Những mỏ này sẽ được khai thác trong tương lai, có thể là 10 - 15 năm tới.

PGS.TS Nguyễn Phương - Phó Chủ tịch thường trực Hội Địa chất Kinh tế Việt Nam

"Ở thời điểm hiện tại, chúng ta có thể hợp tác với các nước phát triển, những nước làm chủ công nghệ chế biến sâu đất hiếm, qua đó nâng cao vị thế và tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế. Thông qua quá trình hợp tác, chúng ta có thể tiếp cận được công nghệ chế biến sâu đất hiếm. Sau đó bằng một thỏa thuận nào đó, chúng ta có thể sử dụng dây chuyền chế biến đó sau khi kết thúc hợp tác.

Về đối tác, chúng ta cần tìm những đối tác có uy tín, sở hữu công nghệ tiên tiến, qua đó giải quyết được hai vấn đề quan trọng. Thứ nhất là gia tăng giá trị của đất hiếm sau khi chế biến sâu. Thứ hai là đảm bảo các vấn đề về môi trường. Bởi lẽ, chế biến sâu đất hiếm sẽ sản sinh ra một số nguyên tố tác động xấu đến môi trường. Kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế", ông Phương nhấn mạnh.

Cần xét ĐTM trong chế biến đất hiếm

Trở lại câu chuyện Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây đã công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của "Dự án khai thác và chế biến mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu" để lấy ý kiến tham vấn rộng rãi của cộng đồng.

Theo đó, Công ty TNHH Xây dựng Hưng Hải là chủ đầu tư dự án; Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim (Hà Nội) là đơn vị tư vấn lập báo cáo ĐTM. Tổng diện tích sử dụng đất phục vụ cho dự án gần 182ha thuộc xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ; thời gian hoạt động dự án được đề xuất 30 năm.

Bàn luận về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Phương cho rằng, ĐTM của Dự án khai thác và chế biến mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe mà Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến cộng đồng chỉ là ĐTM trong khai thác đất hiếm. Còn ĐTM trong chế biến sâu, chiết tách nguyên tố đất hiếm lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.

"Chúng ta có thể chế biến sâu đất hiếm đến 90-95%, thế nhưng đó mới chỉ là 3/4 chặng đường. Quan trọng nhất vẫn là chiết tách nguyên tố đất hiếm, điều này chúng ta chưa làm được. Trong quá trình chế biến, chiết tách nguyên tố đất hiếm sẽ sản sinh ra một số chất có tính phóng xạ, do vậy cần phải lập ĐTM riêng đối với quá trình này", vị chuyên gia chia sẻ thêm.