Thành Vũ ·
1 năm trước
 8989

Hai dự án trọng điểm của Hà Nội gặp vướng mắc

Hai dự án Sở NN&PTNT được giao thực hiện là: Dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây thành phố Hà Nội (Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa) và dự án Tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích vẫn chậm tiến độ do vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng.

Theo Sở NN&PTNN, tổng các dự án mới đầu tư công thuộc lĩnh vực nông nghiệp trong giai đoạn 2021-2025 có 101 dự án mới với tổng mức đầu tư gần 24.650 tỷ đồng. Trong đó có 30 dự án đê điều, 69 dự án thủy lợi và 2 dự án nông nghiệp.

Tiến độ triển khai thực hiện các dự án đến nay có 7 dự án đang triển khai thi công, 10 dự án đã phê duyệt dự án đang trong giai đoạn lập thiết kế bản vẽ thi công-dự toán, 25 dự án đang lập dự án, 14 dự án đang thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, 18 dự án đang trình thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư, 6 dự án đang nghiên cứu lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư và 21 dự án chưa giao đơn vị lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.

Trong đó, có 2 dự án đang triển khai thi công được chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 sang gồm: Dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây thành phố Hà Nội (Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa) và dự án Tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích từ Lương Phú, xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, hai dự án này vẫn chậm tiến độ do vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng.

Dự án cải thiện trạm bơm tiêu Yên Nghĩa còn đang ngổn ngang. (ảnh: ITN)

Dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây TP Hà Nội (trạm bơm tiêu Yên Nghĩa) được khởi công vào cuối năm 2015, với tổng mức đầu tư 7.466 tỉ đồng. Sau 5 năm thi công, đến tháng 1.2020, trạm bơm Yên Nghĩa đã hoàn thành với 10 tổ máy, có công suất 120m3/giây, công suất thoát lũ lớn nhất Hà Nội.

Trạm bơm có nhiệm vụ tiêu nước cho hơn 6.000ha nông nghiệp, tuy nhiên, từ khi trạm bơm hoàn thành, khu vực phía Tây TP Hà Nội bao gồm các quận huyện Thanh Xuân, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Đan Phượng… vẫn chịu cảnh ngập úng do đoạn kênh La Khê đến nay vẫn còn thi công dở dang.

Đến nay, cụm công trình đầu mối của dự án đã được bàn giao để quản lý, vận hành, đưa vào sử dụng từ 17/1/2023. Tuyến kênh dẫn La Khê và đường giao thông đang tập trung giải phóng mặt bằng (GPMB) để thi công. Phần kênh có 12 gói thầu. Đến thời điểm hiện tại, đã triển khai 12/12 gói thầu.

Khối lượng thi công kênh La Khê đạt 67% khối lượng với hợp đồng thi công. Khối lượng cừ bê tông DUL 2 bờ kênh đã thi công: 8.583m/10.861m, đạt 79%. Còn lại 2.278m hai bờ chưa thi công (trong đó vướng mặt bằng: 2.076m; đang triển khai trong phạm vi: 202m). Khối lượng thi công dầm chống đáy được 933/2.704m, đạt 34,5%. Khối lượng thi công đào nạo vét lòng kênh được 1.760/2.623m, đạt 67%.

Theo đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay, việc triển khai thi công kênh La Khê đang gặp vướng mắc về GPMB nên việc tổ chức thi công gặp nhiều khó khăn, chưa đảm bảo tiến độ theo kế hoạch. Một số gói thầu thi công do chưa có mặt bằng thi công hàng cừ neo phía trong nên chưa thể thực hiện việc đào, nạo vét lòng dẫn kênh La Khê theo thiết kế tránh gây mất ổn định cừ bờ kênh (khi chưa được neo giữ theo thiết kế).

Đối với dự án cải tạo sông Tích,  tổng vốn đầu tư gần 7.000 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Trung ương, vốn trái phiếu Chính phủ, ngân sách thành phố Hà Nội và nguồn vốn ODA.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026, HĐND thành phố đã đặt ra yêu cầu chủ đầu tư, các quận, huyện có dự án đi qua phải tập trung đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thi công hạng mục; huy động cao nhất lực lượng, phương tiện, vật tư để tập trung thi công, bảo đảm đưa nước sông Ðà vào sông Tích trong thời gian sớm nhất,  đưa công trình vào sử dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Để thực hiện dự án trọng điểm của thành phố Hà Nội về cải tạo khôi phục sông Tích phục vụ tưới, tiêu nước trên địa bàn, ngày 7/6, UBND huyện Ba Vì (Hà Nội) đã tổ chức cưỡng chế thu hồi hơn 4.000 m2; công trình trên đất của nhiều hộ dân nằm trong quy hoạch dự án cải tạo, tiếp nước sông Tích.

Trước khi thực hiện cưỡng chế thu hồi, UBND huyện Ba Vì đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tiến hành gặp gỡ các gia đình bị thu hồi đất để tuyên truyền, vận động hộ dân chấp hành vì lợi ích chung của thành phố. UBND huyện Ba Vì khẳng định, các chế độ chính sách của Nhà nước về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng đã được các ngành chức năng tính đúng, tính đủ theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, các gia đình vẫn cố tình chây ỳ, không thực hiện bàn giao đất nên UBND huyện đã ban hành quyết định cưỡng chế theo thẩm quyền.

Đề cập đến nội dung này, bà Phùng Thị Hồng Hà - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội - nhận định, Sở NNPTNT TP Hà Nội cần tổ chức rà soát lại toàn bộ nhiệm vụ, chủ động phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện, có kế hoạch, tiến độ cụ thể, phân công rõ trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân, kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao.

HĐND TP Hà Nội cũng yêu cầu Sở NNPTNT TP Hà Nội báo cáo rõ lý do chậm phê duyệt 38 dự án trong khi đã có chủ trương, rà soát lại kỹ từng dự án, từ đó đề xuất bố trí vốn cho phù hợp, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.

Sở NNPTNT TP Hà Nội được giao làm nhiệm vụ chủ đầu tư 2 dự án trọng điểm (trạm bơm tiêu Yên Nghĩa và dự án tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích). Tuy nhiên, dự án trạm bơm tiêu Yên Nghĩa sau khi HĐND TP Hà Nội chất vấn thì tiến độ đến thời điểm này vẫn không chuyển biến nhiều.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội cho rằng, nguyên nhân chính hiện nay của dự án trạm bơm tiêu Yên Nghĩa là còn hơn 1,3ha chưa giải phóng mặt bằng. Việc để dự án chậm trễ có trách nhiệm của UBND quận Hà Đông, Sở Xây dựng trong vấn đề bố trí tái định cư, đơn vị cần có giải pháp để hoàn thành theo kế hoạch.

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật 

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7016243665101996/