Ngày 18/1, Kỳ họp bất thường thứ 5 Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi). Luật chính thức có hiệu lực từ ngày 01/07/2024, ngoại trừ một số điều khoản sẽ có hiệu lực từ 01/01/2025.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Theo Chứng khoán MBS, những vấn đề liên quan đến sở hữu chéo, chi phối tổ chức tín dụng (TCTD), hoạt động kinh doanh đại lý bảo hiểm, can thiệp sớm các tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý tài sản đảm bảo có tác động nhiều nhất đến hoạt động của các ngân hàng niêm yết.
Hại ngân hàng bị ảnh hưởng nhất với điều luật sửa đổi về hoạt động đại lý bảo hiểm
Điều khoản liên quan tới hoạt động của đại lý bảo hiểm trong Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ 1/7/2024.
Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) theo hướng bổ sung quy định về hành vi bị nghiêm cấm: TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.
Luật có hiệu lực sẽ giúp hoạt động bancassurance được quản lý chặt chẽ hơn. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến thu nhập từ hoạt động bancassurance tại các ngân hàng TMCP.
Theo số liệu của MBS Research, tốc độ tăng trưởng thu nhập từ bancassurance của 2 ngân hàng ACB và VIB sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất. Nguyên nhân là do trong nhóm các ngân hàng TMCP, ACB và VIB có tỷ trọng thu nhập bancassurance trong tổng thu nhập ngoài lãi cao nhất.
Bảo vệ người tiêu dùng, lấy lại niềm tin
Bà Hồ Thị Ngọc Như, trưởng ban hỗ trợ giải quyết quyền lợi bảo hiểm nhân thọ, Học viện Bảo hiểm và Quản trị rủi ro tài chính (IFRM) cho hay, dù tại Việt Nam tỉ lệ tham gia bảo hiểm nhân thọ chưa cao nhưng hiện tại, nhiều khách hàng mất niềm tin, vì là bên yếu thế nhất trong chuỗi "người tiêu dùng - đại lý bảo hiểm - doanh nghiệp bảo hiểm".
Chính vì vậy, ngay lúc này, người dân đang rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan quản lý nhà nước, xử phạt mạnh tay các sai phạm trong ngành, minh bạch thông tin và số liệu. Điều này không những bảo vệ khách hàng, mà đồng thời còn tạo niềm tin cho những đại lý và doanh nghiệp chân chính.
Theo bà Như, không chỉ khách hàng mất niềm tin, ngay cả đại lý bảo hiểm chân chính cũng chán nản, rất cần môi trường kinh doanh bảo hiểm nhân thọ lành mạnh, công bằng.
Ông Trần Nguyên Đán, giảng viên chuyên ngành bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính Đại học Kinh tế TP.HCM nhận định cuộc khủng hoảng trầm trọng trên thị trường bảo hiểm thể hiện rất rõ những bất ổn, đặc biệt trong việc bán qua kênh ngân hàng (bancassurance).
Sau nhiều năm người dân bị ép mua bảo hiểm khi vay ngân hàng, việc cấm hành vi này được đưa vào luật là một bước chuyển tốt.
Tuy nhiên, vẫn phải hết sức cảnh giác vì nạn ép mua bảo hiểm ở ngân hàng có thể biến tướng qua nhiều hình thức khác nhau. Chẳng hạn, khách hàng vay tiền mặc dù không bị ép mua bảo hiểm cho chính mình, nhưng lại bị ép mua bảo hiểm cho người thân.
Do đó, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cần thể hiện rõ hơn trách nhiệm quản lý nhà nước với ngành bảo hiểm. Khách hàng mua bảo hiểm ở bên ngoài hay tại ngân hàng đều nằm trong phạm vi bảo vệ của cục.
Các đại lý tổ chức, bao gồm ngân hàng, sai phạm nặng trong bán bảo hiểm, đều phải đưa vào "danh sách đen".
Bên cạnh đó, để tăng niềm tin cho người dân, Bộ Tài chính cần lập website chuyên cập nhật tiến độ thanh tra, quá trình xử lý khiếu nại về hợp đồng bảo hiểm. Như vậy, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm không chỉ nhận đơn và chuyển đi nơi khác xử lý, mà phải giám sát chặt quá trình giải quyết khiếu nại của người dân. Ngoài ra, cần có mức xử phạt mang tính răn đe, phạt theo tỷ lệ phần trăm doanh số. Khi số tiền phạt quá lớn so với khoản lợi bất chính thì đại lý cá nhân và tổ chức đều không dám làm bậy.
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7323434234382936/?