Long Mai ·
2 năm trước
 2599

Hành động quyết liệt trong triển khai siết chặt quản lý khoáng sản

Để chấn chỉnh những thiếu sót, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản trên địa bàn, một số địa phương đã có hành động quyết liệt.

UBND tỉnh Lạng Sơn vừa ban hành công văn số 1053/UBND-KT yêu cầu các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tăng cường quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu Sở TN&MT thực hiện nghiêm túc việc gửi giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh về Bộ TN&MT theo quy định. Chủ động rà soát, yêu cầu các tổ chức, cá nhân đã được UBND tỉnh phê duyệt trữ lượng trong báo cáo thăm dò khoáng sản thực hiện trách nhiệm nộp lưu trữ địa chất tại Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành. Kiểm tra, rà soát, đánh giá tình hình cấp phép thăm dò, khai thác đối với các khu vực khoáng sản đã được khoanh định, công bố là khu vực khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ. Chỉ tham mưu đề xuất khoanh định, công bố khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ đối với các khu vực đáp ứng tiêu chí theo quy định.

khai thác khoáng sản

Trước đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản về việc thu hồi, đóng cửa các mỏ khoáng sản đã hết hạn khai thác, chưa làm thủ tục đóng cửa mỏ. Đối với 4 mỏ khoáng sản có giấy phép khai thác hết hạn, trong quá trình khai thác để lại các vách, moong, hố nham nhở, yêu cầu các chủ mỏ khẩn trương lập hồ sơ đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường. Đóng cửa mỏ đối với 3 mỏ khoáng sản có giấy phép khai thác hết hạn, khu vực mỏ đã trở về trạng thái an toàn. Thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản và đóng cửa mỏ đối với 12 mỏ khoáng sản có giấy phép khai thác hết hạn, khu vực mỏ đã trở về trạng thái an toàn, các chủ mỏ không phải cải tạo, phục hồi môi trường.

Còn tại Phú Yên, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Sở TN&MT Phú Yên tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản để nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản; quản lý chặt chẽ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác, khoáng sản được cấp phép khai thác.

Theo đánh giá của Sở TN&MT Quảng Nam, một trong những nguyên nhân gây khó khăn lớn trong công tác quản lý việc khai thác khoáng sản là hầu hết các loại khoáng sản phân bố phân tán trên diện rộng, chủ yếu ở khu vực trung du, miền núi, nơi có địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn, xa xôi, không tập trung nên khó khăn trong việc quản lý, bảo vệ khoáng sản của các cấp, các ngành.

Đây là hoạt động dễ có lợi nhuận nên nhiều đối tượng tìm mọi cách để thực hiện hành vi khai thác khoáng sản trái phép và ngày càng tinh vi, manh động, liều lĩnh; một số hộ gia đình, cá nhân do điều kiện kinh tế khó khăn, hiểu biết pháp luật còn hạn chế nên đã thực hiện khai thác khoáng sản trái phép hoặc tiếp tay cho các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép.

Để tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trong thời gian tới, theo các chuyên gia, Quảng Nam cùng các địa phương khác cần kiểm soát chặt chẽ khi có đề nghị cấp mới, gia hạn giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản.

Trong đó, cần tranh thủ sự đồng thuận từ phía người dân, chính quyền địa phương; tổ chức kiểm ra đột xuất và định kỳ việc thực hiện nhiệm vụ các tổ chốt chặn trong việc quản lý khai thác, kiên quyết xử lý nghiêm đối tượng có hành vi làm ngơ, bao che, tiếp tay cho hoạt động khai thác trái phép nhằm kiểm soát chặt chẽ trữ lượng khai thác và quản lý tài nguyên, khoáng sản chưa khai thác.

Có chế tài nghiêm khắc đối với hành vi khai thác trái phép. Tăng cường kiểm tra tình hình khai thác tại cát mỏ đã cấp phép, lưu ý doanh nghiệp thực hiện nghiêm thủ tục đóng cửa mỏ và cải tạo, phục hồi môi trường theo đúng quy định.

Phát biểu trong Hội nghị triển khai công tác năm 2021, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Toàn ngành phấn đấu sớm về đích, hoàn thành các chỉ tiêu: 90% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn; 92% KCN, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý; các nguồn tài nguyên được sử dụng hợp lý, hiệu quả bền vững, đóng góp 11% thu ngân sách nội địa.

Nguồn