Thành Phong ·
29 tuần trước
 7854

Hậu quả khai thác vượt mức cát sông Hồng

Khai thác cát quá mức và bừa bãi khiến sông Hồng ngày càng biến dạng, tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, môi trường sinh thái, gây khó khăn cho công tác phòng, chống thiên tai...

Thời gian qua, không riêng thành phố Hà Nội, các tỉnh nằm trong lưu vực sông Hồng cũng diễn ra tình trạng khai thác cát quá mức, tác động tiêu cực đến môi trường, an sinh xã hội. Việc hút cát quá mức, bừa bãi khiến đáy sông Hồng càng ngày bị hạ thấp, làm dòng chảy biến dạng kéo theo hàng loạt sự cố xói lở bãi sông, đê, kè đoạn thuộc địa bàn huyện Ba Vì, Gia Lâm, Phúc Thọ, Phú Xuyên…

Nhiều vị trí đáy sông Hồng, đoạn qua địa bàn thành phố Hà Nội đã bị sụt 2-3m so với 5-10 năm trước đây. Cá biệt, tại khu vực kè Sen Hồ (huyện Gia Lâm) có một số vị trí đáy sông bị hạ thấp tới 10m so với 10 năm trước. Còn tại khu vực cầu Vĩnh Tuy, đáy sông bị hạ thấp khoảng 8m. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đáy sông Hồng bị hạ thấp nhưng chủ yếu vẫn là do việc khai thác cát trái phép, không đúng quy hoạch đã được cơ quan thẩm quyền phê duyệt.

Ảnh minh họa. (Ảnh:ITN)

Thực trạng vừa nêu là nguyên nhân chính khiến mực nước sông Hồng những năm gần đây liên tục bị hạ thấp. Điều này đã làm hàng loạt công trình lấy nước ven sông không thể hoạt động hoặc nếu hoạt động thì cũng không bảo đảm công suất thiết kế. Điển hình trong vụ đông xuân năm 2018-2019, mặc dù mực nước tại Trạm thủy văn Long Biên đạt 2,2m nhưng tất cả các công trình lấy nước ven sông Hồng, như: Trạm bơm Phù Sa, cống Liên Mạc, cống Long Tửu… đều không thể hoạt động.

Để bảo đảm đủ nước sản xuất vụ đông xuân, các nhà máy thủy điện phải tăng khối lượng xả nước. Cụ thể, nếu năm 2008, các nhà máy thủy điện phải xả 2,5 tỷ mét khối bổ sung cho sông Hồng thì năm 2018 là 5,74 tỷ mét khối. Đáng lo ngại hơn, vụ đông xuân năm 2018-2019, mặc dù đã vận hành tối đa công suất của các nhà máy thủy điện nhưng trong nhiều giờ, mực nước sông Hồng tại Hà Nội vẫn không bảo đảm ở mức 2,2m.

Ngoài việc hàng loạt công trình lấy nước ven sông không thể hoạt động, tình trạng hạ thấp mực nước đã làm hở chân các tuyến kè hiện có, dẫn đến tuổi thọ vật liệu và kết cấu mất ổn định, gây ra sự cố sụt sạt, giảm hệ số an toàn chung của các tuyến kè. Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm… là những địa phương thường xuyên xảy ra sự cố đê kè vì nguyên nhân trên.

Bên cạnh đó, việc hạ thấp đáy sông, giảm mực nước sông Hồng còn khiến nhiều cống lấy nước của thành phố Hà Nội, như: Cẩm Đình, Liên Mạc… bị "treo", thiếu nguồn bổ cập thường xuyên cho các dòng sông Nhuệ - Đáy, gây ra hiện tượng “sông chết”, ô nhiễm môi trường…

Triển khai nhiều biện pháp “nóng”

Nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quản lý đất đai và quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố, mới đây Ban Kinh tế-Ngân sách và Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội đã tái giám sát công tác quản lý đối với các sở, ngành, quận, huyện liên quan.

Tính đến tháng 9/2022, trên địa bàn TP Hà Nội có 201 bãi chứa, tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng trên các tuyến sông thuộc thành phố. Trong đó có 77 bãi có thủ tục hoạt động hoặc phù hợp tiêu chí và 124 bãi chưa đủ thủ tục hoạt động hoặc không phù hợp tiêu chí. Như vậy, số lượng các bến bãi chưa đủ thủ tục hoạt động còn rất lớn và ít có cải thiện so với khảo sát năm 2020.

Qua báo cáo của các quận, huyện cho thấy vẫn còn tồn tại tình trạng khai thác trái phép cát chưa được xử lý dứt điểm. Trong khi đó, lực lượng quản lý lại yếu, mỏng, phương tiện ít, các đối tượng cố tình vi phạm hoạt động ngày càng tinh vi, thường diễn ra vào đêm tối, rất khó phát hiện và xử lý…

Có thể thấy Hà Nội là một trong những tỉnh, thành phố rất nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ NN&PTNT. Cụ thể, Hà Nội đã tổ chức quy hoạch và cấp giấy phép khai thác cát trong phạm vi quy hoạch. Hà Nội không cấp phép khai thác cát lòng sông, chỉ cấp phép khai thác các bãi nổi, với những quy định rất rõ về thời gian, vị trí, khối lượng...

Ngoài ra, Hà Nội thường xuyên tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý tình trạng khai thác cát trái phép, không đúng quy hoạch… Tính riêng đợt kiểm tra từ ngày 16-11-2017 đến 15-5-2018, Công an thành phố Hà Nội đã phát hiện, kiểm tra 59 vụ với 62 đối tượng, tạm giữ 62 phương tiện (1 tàu cuốc, 60 tàu hút cát và 1 tàu chở cát vi phạm); đã xử phạt hành chính 28 đối tượng 643,5 triệu đồng, tịch thu 2 tàu hút cát…

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số địa phương để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép. Nguyên nhân là do đối tượng lợi dụng địa bàn giáp ranh, sử dụng nhiều thủ đoạn để đối phó với lực lượng chức năng… Ngoài ra, một số chính quyền cấp cơ sở chưa thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao...

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6916414001751630/