Huyền My ·
2 năm trước
 3613

Hiện thực hóa cam kết tại COP26 từ phát triển khí sinh học

Tại COP26, Việt Nam cùng 150 quốc gia khác đã cam kết đưa phát thải ròng về "0" trước năm 2050. Đến nay, Việt Nam đã ghi được nhiều thành công trong công cuộc này, đặc biệt là quá trình chuyển đổi năng lượng xanh.

Những hành động tích cực của Việt Nam nhằm thực hiện cam kết tại COP26

Hiện nay, biến đổi khí hậu đã tác động tiêu cực lên nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên đặc thù, Việt Nam là đất nước dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu, với những biểu hiện, như: lũ lụt bất thường, hạn hán, nước biển dâng, hiện tượng thời tiết cực đoan, nhiệt độ tăng cao... những điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

Việt Nam có nhiều thành tựu trong chuyển đổi năng lượng xanh.

Ngay sau COP26, Việt Nam đã chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các cam kết của mình tại Hội nghị. Chính phủ Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26. Đồng thời, thông qua một loạt văn bản quan trọng như: Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả COP26, Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030, Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải. Về lĩnh vực năng lượng, Chính phủ Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) theo hướng khai thác tối đa và hợp lý nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp trong nước cho sản xuất điện như nguồn khí tự nhiên, năng lượng tái tạo; giảm tối đa các nhà máy nhiệt điện than, không phát triển thêm nhà máy nhiệt điện than mới sau năm 2030.  

Bên cạnh đó, các Bộ ngành cũng rất tích cực trong việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng. Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai rà soát, cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam, đảm bảo việc đóng góp về giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam phù hợp với Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050. Theo đó, nội dung NDC của năm 2022 sẽ bám sát các nội dung trong bản NDC đã được cập nhật vào năm 2020, bổ sung thêm các hành động để thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26; tính toán cụ thể các cam kết của Việt Nam đến 2030 trên cơ sở các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050. Đồng thời, tập trung xây dựng NDC cập nhật và sẽ gửi Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) trước Hội nghị COP 27.

Đẩy mạnh thực hiện cam kết tại COP26 nhờ phát triển khí sinh học

Khí sinh học là hỗn hợp khí metan và khí cacbonic, trong đó chiếm tới 60% là khí metan được tạo ra từ quá trình phân giải các chất thải của người, động vật và cả thực vật trong điều kiện kín khí.

Theo tính toán, 1m3 hỗn hợp khí có thể tương đương với 1 lít cồn, 0,8 lít xăng, 0,6 lít dầu thô, 1,4 kg than hay 1,2kWh điện năng, có thể sử dụng để chạy động cơ 2KVA trong 2 giờ, sử dụng cho bóng đèn thắp sáng trong 6 giờ, sử dụng cho tủ lạnh 1m3 khí biogas trong 1 giờ hoặc sử dụng nấu ăn cho gia đình 5 người trong 1 ngày. Do đó, sử dụng khí sinh học để phát điện từ lâu đã là một công nghệ quen thuộc, phổ biến ở hầu hết các nước trên thế giới, nhất là các nước công nghiệp/phát triển.

Lắp đạt các hầm Biogas tại các hộ dân. Ảnh minh họa.

Đối với Việt Nam, những năm gần đây, khí sinh học (biogas) là nguồn cung cấp năng lượng chính nhằm giải quyết chất đốt sinh hoạt cho vùng nông thôn, thay thế các loại nhiên liệu khác như củi, trấu, than,... ngoài ra còn được sử dụng cho các mục đích khác như: phát điện, lò sấy, đèn thắp sáng, hệ thống nước nóng, các tủ lạnh chạy bằng gas…

Còn đối với các trang trại, theo tính toán của Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT, ngành chăn nuôi mỗi năm thải ra 73 triệu tấn chất thải rắn và 23 - 30 triệu m3 nước thải. Chỉ tính riêng lượng chất thải từ chăn nuôi lợn (trung bình 2kg/đầu lợn/ngày), sản lượng khí sinh học có thể thu được là 1.000 triệu m3/năm và sản lượng điện sản xuất có thể đạt khoảng 2.300 GWh/năm. Do đó, nếu ứng dụng công nghệ phát điện từ KSH, các trang trại có thể có được lợi nhuận tài chính đáng kể, tiết kiệm chi phí năng lượng trong sản xuất.

Không chỉ các nông hộ, các trang trại mới có thể sử dụng KSH để phát điện, hiện nay, hầu hết các công ty chế biến tinh bột sắn đều có hệ thống hầm biogas để thu hồi KSH từ nước thải, sau đó khí sinh học được đốt để sấy khô sắn và bã sắn.

Hiện nay Chính phủ đã đề ra Chương trình Hành động Chính sách về Chuyển đổi sang nông nghiệp và lương thực bền vững. Cụ thể, đối với phương án “E5 - Sử dụng KSH thay than, gas cho đun nấu gia đình ở nông thôn”, mục tiêu đến năm 2030, sẽ có 5% trong tổng số hộ gia đình ở nông thôn sử dụng thiết bị đun nấu sử dụng KSH từ chăn nuôi. Đối với phương án “E39 - Phát triển điện khí sinh học”, sẽ có 30 MW điện KSH được lắp đặt vào năm 2030 để thay thế cho các nhà máy nhiệt, sau đó tăng lên 150MW vào năm 2050.

Thực tế cho thấy có hàng nghìn hệ thống KSH được lắp đặt quy mô hộ gia đình sử dụng cho mục đích đun nấu, một số hệ thống máy phát điện từ KSH được lắp đặt phân tán ở các trang trại chăn nuôi thay thế cho máy phát chạy bằng dầu diesel, tỉ lệ phát điện lên lưới từ nguồn KSH là không đáng kể và giải pháp lưu trữ KSH cho mục đích cân bằng lưới điện vẫn chưa được quan tâm.