Thành Phong ·
1 năm trước
 7987

Hiện trạng bãi rác An Hiệp ra sao sau loạt bài viết của Tạp chí Kinh tế Môi trường?

Sau loạt bài viết về vấn đề ô nhiễm môi trường tại Bãi rác An Hiệp (tỉnh Bến Tre) của Tạp chí Kinh tế Môi trường, hiện việc khắc phục ô nhiễm môi trường đang được thực hiện nhưng nhiều hàng mục vẫn dở dang.

Hiện bãi rác An Hiệp đang được chính quyền địa phương gấp rút cải tạo.

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế môi trường ngày 3/8/2023, ông Bùi Minh Tuấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre đã thông tin, bãi rác An Hiệp đang được khắc phục ô nhiễm, không có việc nào chính quyền cam kết với dân mà chưa thực hiện; một số kết quả công việc đã thực hiện: Gia cố bờ tường, chống rò rỉ nước rỉ rác ra môi trường với chiều dài 205m/255m (đạt khối lượng 80,5%), tiếp tục hoàn thành trước ngày 10/8/2023; Nâng chiều cao tường rào cũ để ngăn chặn phát tán rác thải từ bãi rác ra bên ngoài bằng lưới B40: đã hoàn thành lắp ráp thanh sắt, đã dựng lưới B40 đoạn hơn 20m, hoàn thành hạng mục này trước ngày 10/8/2023.

Tuy nhiên, theo ghi nhận lúc 16h30 ngày 9/8 thì nhiều hạng mục như tường rào B40 tại bãi rác An Hiệp vẫn chưa được hoàn thiện.

Cũng theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre, nước rỉ rác thường xuyên được thu gom vào các ao chứa bên trong khuôn viên bãi rác, đã không còn chảy tràn ra môi trường bên ngoài; đã đào bổ sung 1 ao chứa nước rỉ (diện tích 870m2), tuyệt đối không để nước rỉ rác thoát ra ngoài mà chưa xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; Đã hoàn thành phủ bạt với diện tích 12.000m2, đạt khối lượng 86%, tiếp tục hoàn thành 100% diện tích phủ bạt trước ngày 10/8/2023.

Đồng thời, công trình nâng cấp, cải tạo Bãi rác An Hiệp: Đào ao chôn lấp rác mới khoảng 0,7 ha, đạt tiến độ 80%, công việc này hoàn thành trước ngày 17/8/2023; Thường xuyên phun xịt bãi rác bằng chế phẩm sinh học EM để hạn chế mùi hôi, ruồi; đồng thời hỗ trợ cho gia đình xung quanh bãi rác phun xịt ruồi.

Ngoài ra, ngày 2/8/2023, lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre, lãnh đạo Công an tỉnh, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, các ngành và huyện khảo sát tiến độ khắc phục ô nhiễm Bãi rác An Hiệp, ghi nhận kết quả đã cơ bản khắc phục, giảm thiểu được ô nhiễm môi trường; các công việc vẫn tiếp tục thực hiện sẽ được hoàn thành trước ngày 17/8/2023 theo như cam kết với người dân.  

Nhiều vị trí tại bãi rác An Hiệp vẫn phát tán nước rỉ rác ra môi trường bên ngoài.

Tuy nhiên, theo ghi nhân của Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường vào khoảng 16h30 ngày 9/8/2023 thì việc phủ bạt các mô rác cơ bản đã được thực hiện, nhưng nhiều hạng mục tại bãi rác An Hiệp vẫn còn đang dang dở, chưa được xử lý dứt điểm theo đúng tiến độ đề ra trước ngày 10/8/2023 như đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre thông tin.

Cụ thể, hạng mục nâng chiều cao tường rào cũ để ngăn chặn phát tán rác thải từ bãi rác ra bên ngoài bằng lưới B40 vẫn chưa được hoàn thành. Nước rỉ rác vẫn còn chảy thẳng ra môi trường bên ngoài bãi rác và chưa có bất cứ động thái nào thể hiện việc thu gom nước rỉ rác chảy ra bên ngoài bãi rác An Hiệp.

Nước rỉ rác ra ngoài khu vực bãi rác An Hiệp không được thu gom xử lý.

Bên cạnh đó, nhiều người dân xung quanh bãi rác phản ánh, mùi hôi từ bãi rác An Hiệp vẫn còn phát tán, nước rỉ rác ngấm vào ao nuôi tôm gây ảnh hưởng trực tiếp đến công việc, sức khoẻ của người dân vẫn chưa được khắc phục.

Về nguyện vọng của người dân sống xung quanh khu vực bãi rác An Hiệp, nhiều người dân cùng cho biết, chúng tôi đều mong muốn bãi rác được di dời đi nơi khác. Bởi vì chúng tôi sinh ra và lớn lên tại mảnh đất này, đất của ông cha để lại nên chúng tôi phải giữ gìn. Tuy nhiên, bãi rác ảnh hưởng quá lớn đến cuộc sống của chúng tôi, nuôi tôm thì không nuôi được, sức khoẻ thì đi xuống. Đời chúng tôi đã vậy nhưng còn đời con, đời cháu nữa. Nếu chuyển đi nơi khác thì chúng tôi cũng chẳng biết đi đâu. Chính vì vậy, nguyện vọng lớn nhất của toàn thể bà con ở đây là bãi rác An Hiệp được di dời đi nơi khác.

Nhiều vuông tôm của người dân gần bãi rác An Hiệp bị ô nhiễm nghiêm trọng do nước rỉ rác ngấm vào.

Trước đó, vào ngày 26/7/2023, Trao đổi với Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, ông Võ Văn Đạt, Chánh văn phòng UBND huyện Ba Tri cho hay, vừa rồi bên chính quyền cũng đã đối thoại với khoảng 80 hộ dân, cũng đã cam kết với dân trong vòng 30 ngày thì sẽ khắc phục vấn đề nước rỉ rác, vấn đề bốc mùi...

Trước mắt, sẽ thuê một đơn vị có chuyên môn gia cố lại ao, có phủ bạt kín bãi rác. Còn về phần tường bao sẽ lắp thêm lưới B40 để ngăn rác không bay qua nhà dân. Đối với an sinh xã hội, những hộ dân xung quanh đó ai có còn nhiều khó khăn thì sẽ quan tâm, hỗ trợ cho họ nhiều hơn. Giải pháp lâu dài, sẽ thuê lại các khu đất của người dân liền ranh với bãi rác để trồng cỏ, cây xanh để giảm ô nhiễm từ bãi rác.

“Cam kết nếu trong 30 ngày không giải quyết được những vấn đề như rỉ rác, bốc mùi,... thì sẽ không đưa rác của TP.Bến Tre và huyện Châu Thành về Bãi rác An Hiệp, chỉ đổ rác của huyện Ba Tri, như vậy người dân sẽ hạ nhiệt vì rác tại huyện Ba Tri cũng không có nhiều”, ông Đạt nhấn mạnh.

Tình trạng rác thải chưa được thu gom vẫn đang tiếp diễn tại nhiều địa bàn của tỉnh Bến Tre.

GÓC NHÌN CHUYÊN GIA:

Thông tin về việc xử lý ô nhiễm và giải pháp quy hoạch đối với bãi rác An Hiệp và Quy hoạch xử lý rác tại tỉnh Bến Tre, PGS -TS. Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường cho hay, trước mắt tỉnh Bến Tre cần khắc phục ngay tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực Bãi rác An Hiệp. Cụ thể là thu gom nước rỉ rác không để chảy ra môi trường (sông Hàm Luông, ao tôm của người dân...), rác bay phát tán ra xung quanh và có biện pháp xử lý mùi hôi không để phát tán mùi ảnh hưởng đến sức khỏe người dân xung quanh. Tuyên truyền để người dân thấu hiểu về tỉnh hình cấp bách về vấn đề rác thải tại tỉnh Bến Tre hiện tại để tìm được tiếng nói chung.

Tiếp đó, các ngành chức năng tỉnh Bến Tre cần sớm xây dựng phương án xử lý rác thải, xử lý nước rỉ rác phù hợp với quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Còn đối với việc xử lý rác thải của các huyện Châu Thành, TP. Bến Tre thì việc đưa hết về bãi rác An Hiệp là biện pháp không khả thi, gây bức xúc cho người dân. Do đó, để giải quyết vấn đề này, các ngành chức năng tỉnh Bến Tre cần xem xét sớm xây dựng một bãi rác tạm thời phù hợp với các quy định để đáp ứng việc tập kết, xử lý rác của huyện Châu Thành và TP. Bến Tre. Về lâu dài, bãi tập kết rác này có thể kêu gọi đầu tư để xây dựng một nhà máy xử lý rác thải hợp vệ sinh, phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh Bến Tre.

Cũng theo PGS -TS. Lưu Đức Hải, các quy hoạch tỉnh Bến Tre cần kiện toàn các nội dung liên quan đến vấn đề môi trường. Cụ thể, chất thải rắn là một trong 5 vấn đề môi trường chính được tỉnh Bến Tre đưa vào hai báo cáo nêu trên. Tuy nhiên, cả hai báo cáo chưa đưa ra được kế hoạch cụ thể nào. Do đó, tôi đã kiến nghị tỉnh Bến Tre cần bổ sung các giải pháp cụ thể vào báo cáo trước khi phê duyệt.

Cùng với đó, tỉnh Bến Tre cần phải có giải pháp tổng thể để xử lý triệt để chất thải rắn sinh hoạt là xây dựng các trung tâm thu gom và xử lý tổng hợp tập trung, ưu tiên việc tái chế, xây dựng các nhà máy xử lý rác thải hợp vệ sinh như đốt rác phát điện, làm phân bón compost,... hạn chế tối đa việc chôn lấp rác (mất đất, gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất và nước...). Do đó, tỉnh cần xây dựng kế hoạch lâu dài, có kinh phí phù hợp cho vấn đề này và thực hiện triệt để các giải pháp trong hai báo cáo nêu trên.