Thanh Tâm ·
38 tuần trước
 8978

Bến Tre: Giải pháp nào cho "sự cố môi trường" từ Bãi rác An Hiệp?

Sự cố ô nhiễm môi trường tại Bãi rác An Hiệp khiến rác thải ùn ứ tại nhiều điểm trên địa bàn H.Ba Tri, H.Châu Thành và TP.Bến Tre (tỉnh Bến Tre), do đó người dân và chính quyền địa phương cần sớm có tiếng nói chung để giải quyết vấn đề xử lý rác thải.

Rác quá tải dẫn đến sự cố môi trường

Theo văn bản số 4408/UBND-TCĐT ngày 23/7 về việc công bố tình huống khẩn cấp tình hình sự cố môi trường Bãi rác An Hiệp (huyện Ba Tri) của UBND tỉnh Bến Tre thể hiện, từ khi nhà máy xử lý rác tỉnh tạm đóng cửa, Bãi rác An Hiệp huyện Ba Tri tiếp nhận khối lượng rác khá lớn từ Thành phố Bến Tre, huyện Châu Thành và huyện Ba Tri.

Bãi rác An Hiệp được xây dựng với diện tích khoảng 5 ha, được đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2009 với công nghệ xử lý chôn lấp hở.

Trong khi đó, các hạng mục (tường rào, phủ bạt các ô đã chôn lấp, gia cố chống thấm, gom nước rỉ rác, ao chứa nước rỉ rác,…) và mở rộng diện tích (03ha) của Bãi rác An Hiệp thực hiện chưa kịp thời. Cộng với thời gian gần đây mưa lớn kéo dài liên tục dẫn đến tình trạng nước rỉ rác lẫn với nước mưa chảy tràn xung quanh, mùi hôi phát tán ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 132 hộ dân nằm trong phạm vi bán kính 1km thuộc địa phận 2 xã An Hiệp, xã An Đức, huyện Ba Tri.

Các hạng mụcnhưtường rào, phủ bạt các ô đã chôn lấp, gia cố chống thấm, gom nước rỉ rác, ao chứa nước rỉ rác,… của Bãi rác An Hiệp vẫn chưa được thực hiện kịp thời.

Do bức xúc, vào lúc 14h ngày 15/7/2023, một số người dân chặn xe chở rác, ngăn cản không cho đổ rác tại Bãi rác An Hiệp. Từ thời điểm đó đến nay, các xe rác không có chỗ đổ, dẫn đến lượng rác ùn ứ trong phạm vi lớn thuộc địa bàn huyện Ba Tri, huyện Châu Thành và Thành phố Bến Tre gây tác động đến nhân dân và an toàn xã hội.

Hiện nay, bãi rác An Hiệp là nơi duy nhất tiếp nhận lượng lớn rác thải của tỉnh Bến Tre trong thời gian Nhà máy xử lý rác thải của tỉnh tạm đóng cửa. Việc không khẩn cấp khắc phục ô nhiễm môi trường, giải quyết các kiến nghị của người dân và thông tin lại cho người dân biết để tiếp tục thực hiện vận chuyển rác thì sẽ gây bất ổn về môi trường, an ninh và xã hội trên phạm vi rộng (huyện Ba Tri, huyện Châu Thành và Thành phố Bến Tre).

Tình trạng rác thải ùn ứ trong phạm vi lớn thuộc địa bàn huyện Ba Tri, huyện Châu Thành và TP. Bến Tre gây tác động đến nhân dân và an toàn xã hội.

Liên quan đến tình trạng khẩn cấp sự cố ô nhiễm môi trường tại Bãi rác An Hiệp, ngày 26/7, Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có buổi trao đổi thông tin với ông Võ Văn Đạt, Chánh văn phòng huyện Ba Tri về vấn đề này. Theo ông Đạt,  khi nhà máy xử lý rác của tỉnh Bến Tre ngừng hoạt động, tỉnh có khảo sát các huyện thì chỉ có huyện Ba Tri là phù hợp vì Bãi rác An Hiệp khá là rộng. Sau đó, tỉnh có gửi văn bản cho huyện Ba Tri về việc tạm thời đưa rác của Thành phố Bến Tre, huyện Châu Thành về Bãi rác An Hiệp. Hai đơn vị trên lại là nơi có rác thải nhiều nhất tỉnh, trung bình đưa về Bãi rác An Hiệp là 150 tấn/ngày, chưa kể là những ngày lễ Tết thì lượng rác sẽ tăng thêm. Tiền phí rác thải đưa vào Bãi rác An Hiệp là 113.000 đồng/tấn bao gồm: Xử lý mùi, chôn, lấp...

“Tuy nhiên, khi đưa về Bãi rác An Hiệp với lượng rác lớn vậy là quá tải, điều này cũng phải thông cảm cho người dân, đúng là giọt nước tràn ly. Thêm nữa, mình là cán bộ của địa phương mình nên cũng đâu có muốn mang rác về quê hương mình đâu. Khi đưa về ảnh hưởng đến sinh hoạt, công việc của người dân thì họ càng gay gắt hơn nữa”, ông Đạt chia sẻ.

Cần có giải pháp thực tế

Trước thực trạng ô nhiễm môi trường của Bãi rác An Hiệp ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, ông Huỳnh Văn Châu (61 tuổi) - sống tại xã An Hiệp chia sẻ: “Khi bãi rác hình thành thì có nói là đổ tạm, khi đó tôi có ý kiến khi đổ phải xây tường, dưới phải trải bạt, không để mùi hôi thối phát tán cho bà con. Nhưng thực tế thì không có làm nhiều, cho đến năm 2011, chúng tôi lại có ý kiến thì lúc đó xã mới làm, nhưng lại xây tường được có nửa bãi. Đến 2023 thì mới xây hoàn chỉnh, trong thời gian đó người dân chúng tôi cũng phải vất vả lắm".

Nước rỉ từ bãi rác bị chảy trực tiếp ra dòng mương bên cạnh gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng , ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân.

"Bây giờ chúng tôi đề nghị, đầu tiên, làm sao cho mùi hôi thối, ruồi muỗi hết đi. Thứ hai, nước rỉ từ trong bãi rác ra vùng ao nuôi, bà con bị thiệt hại nên phải có giải pháp. Thứ ba, tường rào của bãi rác cần phải xây cao để khỏi rác bay qua khu dân cư. Chúng tôi mong các cấp chính quyền sớm giải quyết để chúng tôi an tâm sinh sống", ông Châu cho hay.

Với tình hình trên, ngày 24/7/2023, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Bến Tre đã có báo cáo tình hình quản lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh và huyện Ba Tri. Theo đó, UBND tỉnh Bến Tre đã công bố tình huống khẩn cấp sự cố môi trường Bãi rác An Hiệp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường xung quanh. Việc người dân ngăn cản xe chở rác, rác tồn đọng nhiều nơi, tác động đến trật tự xã hội trên phạm vi rộng (ngoài phạm vi, khả năng giải quyết của huyện Ba Tri). Do đó, để tiếp tục thực hiện các công việc khẩn cấp khắc phục ô nhiễm môi trường tại Bãi rác An Hiệp, hoàn thành trước ngày 10/8/2023.

Cụ thể, phủ bạt với diện tích 1,4ha các ao lấp đầy rác đạt về độ cao (chỉ định thầu, với dự toán kinh phí khoảng 1,5 tỷ đồng, kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường năm 2023 đã phân bổ cho Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện), gia cố chống nước rỉ rác thoát ra bên ngoài (không để nước rỉ rác thoát ra bên ngoài khi chưa xử lý đạt theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường), nâng cao tường chắn rác bay.

Bên cạnh đó, tiếp tục khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hạng mục công trình nâng cấp, cải tạo Bãi rác An Hiệp (ao chứa rác, hệ thống gom nước rỉ rác, ao đủ lưu chứa nước,…) và dự án mở rộng (03ha) để tiếp nhận rác, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, xem xét đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải rỉ rác (với công suất 30m3/ngày đêm, với kinh phí khoảng hơn 3,5 tỷ đồng) nếu cấp thiết để tiếp nhận rác của tỉnh khoảng 03 năm chờ hoàn thành tái cơ cấu Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre. Sau đó, hệ thống xử lý nước thải này tiếp tục vận hành xử lý nước thải do bãi rác vẫn tiếp nhận xử lý rác thải của huyện (nên đầu tư này không lãng phí).

UBND tỉnh Bến Tre đang tiếp tục thực hiện các công việc khẩn cấp khắc phục ô nhiễm môi trường tại Bãi rác An Hiệp, hoàn thành trước ngày 10/8/2023.

Về phía UBND huyện Ba Tri, ông Võ Văn Đạt, Chánh văn phòng huyện Ba Tri cho hay, vừa rồi bên chính quyền cũng đã đối thoại với khoảng 80 hộ dân, cũng đã cam kết với dân trong vòng 30 ngày thì sẽ khắc phục vấn đề nước rỉ rác, vấn đề bốc mùi,...

Trước mắt, sẽ thuê một đơn vị có chuyên môn gia cố lại ao, có phủ bạt kín bãi rác. Còn về phần tường bao sẽ lắp thêm lưới B40 để ngăn rác không bay qua nhà dân. Đối với an sinh xã hội, những hộ dân xung quanh đó ai có còn nhiều khó khăn thì sẽ quan tâm, hỗ trợ co họ nhiều hơn. Giải pháp lâu dài, sẽ thuê lại các khu đất của người dân liền ranh với bãi rác để trồng cỏ, cây xanh để giảm ô nhiễm từ bãi rác.

“Cam kết nếu trong 30 ngày không giải quyết được những vấn đề như rỉ rác, bốc mùi,... thì sẽ không đưa rác của TP. Bến Tre và huyện Châu Thành về Bãi rác An Hiệp, chỉ đổ rác của huyện Ba Tri, như vậy người dân sẽ hạ nhiệt vì rác tại huyện Ba Tri cũng không có nhiều”, ông Đạt nhấn mạnh.

Cần giải pháp căn cơ

Trước tình huống sự cố khẩn cấp tình hình môi trường tại Bãi rác An Hiệp, UBND huyện Ba Tri đã có kiến nghị:

- Về công tác dân vận và vận động: kiến nghị tỉnh Bến Tre hỗ trợ và phối hợp thêm với huyện để công tác dân vận phát huy hiệu quả.

- Có giải pháp căn cơ để xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường tại bãi rác. Cụ thể:

+ Đôn đốc đơn vị thi công để sớm thực hiện trãi bạt các khu đang chuẩn bị thi công.

+ Hỗ trợ kinh phí để xây dựng hệ thống xử lý nước rỉ rác trên cơ sở kiểm soát và tách nước mưa. Hiện nay, mùa mưa 2023 có lượng mưa lớn hơn so với trung bình nhiều năm, nước rỉ rác lẫn với nước mưa đã rò rỉ ra môi trường bên ngoài gây ô nhiễm. Biện pháp xử lý nước thải tại bãi rác hiện đang thực hiện chủ yếu là chuyển, tuần hoàn giữa các khu còn khả năng chứa nước. Chưa có hình thức xử lý nước rỉ rác. Vì vậy nên phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Nếu mưa lớn diễn ra tiếp tục thì không thể ngăn chặn tình trạng nước thải rò rỉ ra bên ngoài.

+ Về lâu dài: hỗ trợ huyện xã hội hóa hoạt động xử lý rác thải. Kêu gọi các đơn vị có năng lực chuyên môn, năng lực để xử lý rác thải tại Bãi rác An Hiệp bằng các hình thức tiên tiến như: phân loại, đốt, ủ phân vi sinh,... Nhằm kiểm soát tốt môi trường và giảm thiểu quỹ đất dành cho xử lý rác thải và ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân.