Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, sau gần 5 năm Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” (23/10/2017), Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU do Phó Thủ tướng Chính phủ - Lê Văn Thành làm Trưởng Ban đã tổ chức triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm gỡ “thẻ vàng” theo khuyến nghị của EC đã đạt được một số kết quả tích cực như: 28 tỉnh, thành ven biển trên cả nước đã thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo IUU của tỉnh theo nhiệm kỳ để tổ chức triển khai các giải pháp chống khai thác IUU theo chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia và các chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ NN&PTNT; hỗ trợ kinh phí cho ngư dân lắp đặt thiết bị VMS, tính đến nay, cả nước đã lắp đặt VMS cho đội tàu có chiều dài 15m trở lên đạt trên 95%. Tổ chức các lớp tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về IUU cho ngư dân và các tổ chức, cá nhân có liên quan; Hiệp hội ngành nghề thủy sản đã vào cuộc tích cực và thành lập “chương trình doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU” với sự tham gia của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vào EU…
Quang cảnh cuộc họp. (Ảnh: Internet)
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vụ tàu cá Việc Nam vi phạm vùng biển nước bạn. Tính từ quý 4/2021 đến nay đã xử lý và tham mưu cho địa phương xử lý trên 597 vụ/763 phương tiện với số tiền xử phạt hơn 13.800 tỷ đồng. Với các hành vi vi phạm khai thác IUU như: vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép; không đảm bảo thủ tục giấy tờ; không duy trì hoạt động của thiết bị VMS; sử dụng kích điện, thuốc nổ trong khai thác… Riêng tỉnh Bạc Liêu, từ đầu năm 2022 đến nay không phát hiện hành vi mốc nối, môi giới đưa tàu cá đi khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài và không có tàu cá Bạc Liêu vi phạm vùng biển nước ngoài. Đồng thời, tiến hành lắp đặt thiết bị VMS cho tàu có chiều dài 15m trở lên là 454 tàu.
Cuộc họp cũng dành nhiều thời gian để các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến về các hoạt động chống khai thác IUU để sớm gỡ “thẻ vàng” EC. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng, song song với việc phòng, chống khai thác IUU thì Trung ương cũng cần quan tâm đến công tác dịch vụ hầu cần nghề cá, đầu tư các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão…
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ - Lê Văn Thành, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về IUU nhấn mạnh: Cuối tháng 10/2022, EC sẽ tới Việt Nam kiểm tra tình hình thực hiện các khuyến nghị về chống khai thác IUU, cũng như đầu tư hạ tầng thủy sản, tình hình nuôi trồng thủy sản. Đây là cơ hội để Việt Nam gỡ “thẻ vàng” IUU, đồng thời khẳng định những cam kết của nước ta trong việc phát triển nghề biển bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế. Chính vì vậy, các bộ, ban, ngành và địa phương cần tích cực, chủ động hơn nữa trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con ngư dân. Chúng ta cần phải nhắc nhau rằng gỡ thẻ vàng IUU trước hết chính là vì đời sống của bà con. Nếu làm được, Việt Nam sẽ có thêm sức hút với các nhà đầu tư quốc tế, giúp phát triển kinh tế - xã hộ của đất nước. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nếu có phát sinh, phát hiện những bất cập, chưa hợp lý cần báo cáo về Ban chỉ đạo IUU để kịp thời có những biện pháp điều chỉnh, thực hiện cho phù hợp”.