Cụ thể, Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) và cộng đồng doanh nghiệp rất hoan nghênh và đánh giá rất cao Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 05/03/2023 của Chính phủ “Sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế” có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành, đã quy định cơ chế, giải pháp rất cụ thể, thiết thực, hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tiễn.
Được biết, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành, cho đến nay mới chỉ thực hiện hơn 06 tháng nhưng đã đạt được một số kết quả rất thiết thực, tháo gỡ phần nào khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, trong đó có các doanh nghiệp bất động sản, góp phần hỗ trợ cho nền kinh tế và thị trường bất động sản vượt qua khó khăn và đang trong quá trình dần phục hồi trở lại.
Đặc biệt là vào ngày 19/07/2023, Bộ Tài chính đã quyết định khai trương “Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ” thuộc Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), từ đó giúp giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ minh bạch, an toàn, lành mạnh đã tiếp sức và tăng niềm tin cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và các nhà đầu tư trái phiếu, đặc biệt là nhà đầu tư trái phiếu là cá nhân.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Bức tranh thị trường trái phiếu doanh nghiệp 09 tháng đầu năm 2023. Giá trị trái phiếu mua lại trước hạn tăng gần 40% so với cùng kỳ 2022, bên cạnh đó là sự dịch chuyển thị phần cùng tỷ lệ trái phiếu có tài sản bảo đảm và lãi suất tăng so với năm ngoái.
Nhìn vào báo cáo tổng quan về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ do HNX công bố cho thấy, tính đến ngày 08/09/2023, có hơn 122 nghìn tỷ đồng TPDN được phát hành riêng lẻ. Nhiều nhất diễn ra vào tháng 8, với gần 53,2 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, các trái phiếu của các doanh nghiệp đại chúng được phát hành nhiều nhất, với hơn 55 nghìn tỷ đồng. Giá trị trái phiếu của doanh nghiệp chưa đại chúng đạt gần 25,5 nghìn tỷ đồng. Trong khi các công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) là gần 42 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, so với cùng kỳ giá trị TPDN phát hành trong năm 2023 giảm sâu 60%. Giá trị phát hành của nhóm doanh nghiệp đại chúng và chưa đại chúng đồng loạt giảm mạnh. Chỉ nhóm công ty TNHH là tăng mạnh tới 70%.
Cũng giống như năm 2022, trong 9 tháng đầu năm 2023, nhóm các tổ chức tín dụng và bất động sản chiếm phần lớn giá trị huy động từ trái phiếu, đạt lần lượt 48,7 nghìn tỷ đồng và 57 nghìn tỷ đồng (tương ứng giảm 62% và 37%).
Về tài sản đảm bảo, tỷ lệ TPDN có bảo đảm trên tổng giá trị phát hành chiếm gần 54% (tính đến thời điểm ngày 08/09/2023). Cùng kỳ, tỷ lệ này chỉ đạt gần 46.7%. Lãi suất bình quân của các đợt phát hành năm nay cũng tăng thêm, đạt 8,17%/năm (cùng kỳ là 7.83%/năm). Kỳ hạn bình quân có sự thay đổi nhẹ từ 3.67 năm lên 3.76 năm.
Đáng chú ý, giá trị TPDN mua lại trước hạn năm nay tăng khá mạnh so với cùng kỳ. Trong đó, các CTCP đại chúng mua lại gần 99 nghìn tỷ đồng tăng gần 61% so với cùng kỳ. Nhóm doanh nghiệp chưa đại chúng mua lại hơn 54 nghìn tỷ đồng, tăng 16%. Nhóm công ty TNHH mua 12,3 nghìn tỷ đồng, tăng 13%.
Trên thực tế, sau giai đoạn tăng trưởng nóng từ 2018, đến năm 2022 thị trường đã bộc lộ nhiều khó khăn, thậm chí đã đóng băng trong nửa cuối năm 2022. Tình hình năm 2023 cho thấy nhà đầu tư dường như vẫn chưa sẵn sàng quay lại thị trường.
Hiệp hội nhận thấy, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP đã được thực hiện rất tốt trong 06 tháng qua và bước đầu đã phát huy tác dụng, tháo gỡ phần nào khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp và chắc chắn sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong quý 4/2023 là giai đoạn cao điểm đáo hạn trái phiếu của cả năm 2023 với tổng giá trị lên đến 65.500 tỷ đồng (không tính các lô trái phiếu đã giãn, hoãn), trong đó có gần 80% là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản.
Năm 2024, giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn sẽ lên đến 329.500 tỷ đồng là năm cao điểm nhất trong 03 năm gần đây, trong khi năm 2022 chỉ có 144.500 tỷ đồng, năm 2023 là 271.400 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, nên rất cần thiết tiếp tục thực hiện đầy đủ các quy định của Nghị định số 08/2023/NĐ-CP trong năm 2024.
Để từng bước xây dựng hoàn thiện thị trường trái phiếu doanh nghiệp nước ta dần tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế như việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân hoặc phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu thì cần phải có thời gian và thông qua một quá trình chuyển đổi phù hợp. Tuy nhiên, Điều 3 Nghị định số 08/2023/NĐ-CP quy định “ngưng hiệu lực thi hành” đối với các quy định sau đây của Nghị định số 65/2022/NĐ-CP gồm “quy định về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân; quy định về thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành; quy định về kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu” chỉ có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2023, nên rất cần thiết gia hạn việc áp dụng Điều 3 Nghị định số 08/2023/NĐ-CP để bảo đảm sự phù hợp với tình hình thực tiễn của nước ta hiện nay.
Chính vì thế, Hiệp hội đề nghị Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận cho gia hạn việc áp dụng Điều 3 Nghị định số 08/2023/NĐ-CP thêm 12 tháng, đến hết ngày 31/12/2024.
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6907107502682280/?