Tháng 8/2023 có đến 10 đợt phát hành trái phiếu của các ngân hàng với giá trị lên đến hơn 12.000 tỷ đồng. Cụ thể, ACB có 3 đợt phát hành với tổng giá trị 6.500 tỷ đồng, MSB phát hành 1.000 tỷ đồng, OCB 2.000 tỷ đồng, BacABank 800 tỷ đồng, BIDV 700 tỷ đồng, ABB 3.000 tỷ đồng…
Theo FiinRatings ghi nhận, trị giá huy động trái phiếu ngân hàng chiếm tỉ lệ lớn với 55,65% trên tổng phát hành trong tháng. Nhóm ngân hàng có lãi suất phát hành (trong mức từ 6-9,1%/năm) thấp hơn hẳn so với các nhóm khác (nhất là so với nhóm BĐS và công nghiệp với lãi suất cao nhất 14,5%/năm). Bên cạnh đó, ngân hàng cũng mua lại trái phiếu chiếm 49,39% trong tổng số 12,36 nghìn tỷ đồng trái phiếu được mua lại trong tháng.
Có thể thấy, các TCTD một mặt đang đẩy mạnh mua lại, đồng thời phát hành mới để cơ cấu khối lượng và chất lượng TPDN phát hành, theo hướng vừa đảm bảo các quy định vừa có thể có lãi suất phù hợp. Hoạt động cơ cấu nguồn vốn và sẵn sàng cho nguồn vốn mới sẽ giúp các TCTD giảm dư thừa vốn hiện tại cùng với đó cũng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, cải thiện hệ số an toàn vốn.
Theo CTCP MAS, lượng phát hành TPDN của các ngân hàng đã bắt đầu khởi sắc trở lại, đây có thể là chỉ báo sớm cho sự phục hồi của tăng trưởng tín dụng.
Áp lực trái phiếu đáo hạn cuối năm nay
Nhìn vào dữ liệu VBMA cho thấy, những tháng còn lại của năm nay tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 115.831 tỷ đồng. Trong đó, 48,11% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm Bất động sản (với gần 55,734 tỷ đồng), nhóm Ngân hàng theo sau với 23,110 tỷ đồng (chiếm 19,95%).
Tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn từ nay đến cuối năm 2023 là 115.831 tỷ đồng. Nguồn ảnh: VNDirect
Các con số này tạo áp lực thanh toán và cũng sẽ “lũy kế” áp lực thanh toán lên nhiều thêm ở những doanh nghiệp đã khất nợ trái chủ khi trái phiếu đến hạn trong những tháng qua.
Việc “lũy kế” áp lực này tạo thêm khó khăn cho các doanh nghiệp, trong bối cảnh một số nhóm ngành chưa cải thiện khả năng trả nợ và danh sách doanh nghiệp không có khả năng thanh toán phải đàm phán gia hạn trái phiếu với trái chủ vẫn đang dài thêm.
Đáng lưu ý, cuối năm nay Nghị định 08/2023 và Thông tư 03/2023/TT-NHNN sẽ hết hiệu lực. Chính vì thế, các doanh nghiệp, nhà đầu tư cần chuẩn bị cho việc đáp ứng các tiêu chuẩn mới nếu không có quy định mới nào khác cho phép kéo dài các quy định tại các văn bản pháp lý nói trên.
Thông tư 03 có hiệu lực chỉ kéo dài đến hết năm nay, vì vậy đây chỉ là giải pháp tạm thời, ít tạo ra thanh khoản thực cho thị trường TPDN. Điều này cũng vô tình tạo tiền lệ xấu cho thị trường TPDN khi nhà băng đứng ra thanh toán thay cho doanh nghiệp. Vì nếu ngân hàng sở hữu trái phiếu, điều đó sẽ mang bản chất hoạt động tín dụng thay vì hoạt động trái phiếu của thị trường vốn và làm gia tăng rủi ro tập trung trong ngắn hạn đối với hệ thống, tuy vậy trong dài hạn sẽ giúp thị trường bình ổn.
Tại báo cáo cập nhật triển vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp vừa công bố, SSI Research cho hay, Nghị định 08/2023 về trái phiếu phát hành riêng lẻ đã tạo ra hành lang pháp lý để tổ chức phát hành có thể hoãn trái phiếu hiện tại lên tới hai năm hoặc chuyển đổi trái phiếu thành tài sản khác.
Tuy vậy, Nghị định này có tạo ra tâm lý trì hoãn việc thanh toán trái phiếu càng lâu càng tốt từ phía nhà phát hành?
Theo SSI Research, sau sự cố Vạn Thịnh Phát vào cuối năm 2022 thì hoạt động mua lại trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản vẫn diễn ra khá mạnh mẽ thế nhưng đã chậm lại kể từ khi Nghị định 08 được ban hành.
SSI Research nhấn mạnh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam dường như đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất, nhờ các động thái từ Chính phủ thế nhưng những giải pháp hiện tại chỉ mang tính ngắn hạn, thiên về hỗ trợ cho các tổ chức phát hành, sẽ khó có thể ngay lập tức khôi phục được niềm tin của nhà đầu tư.
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6891387934254237/?