Theo đó, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã có thông báo bổ sung cổ phiếu ITD của Công ty Cổ phần Công nghệ Tiên Phong vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ.
Được biết, nguyên nhân bị cắt margin là do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng (niên độ tài chính 2023 – 2024) là số âm.
BCTC soát xét của ITD ghi nhận doanh thu 6 tháng đầu năm của công ty đạt 170 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước giảm 33%. Kết quả, ITD lỗ sau thuế 550 triệu đồng, trong đó lỗ thuộc cổ đông công ty mẹ gần 10 tỷ đồng. ITD cho biết, do ảnh hưởng từ dự án lớn mà đơn vị thành viên là CTCP Kỹ thuật điện Toàn Cầu sụt giảm doanh thu, bên cạnh đó việc phân bổ giá trị lợi thế thương mại phát sinh từ mua và đạt quyền kiểm soát CTCP Tư vấn và Phát triển Phần mềm Larion từ tháng 1/2023 khiến chi phí QLDN tăng, đó những nguyên nhân khiến ITD lỗ trong nửa đầu năm 2023.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Tính đến thời điểm ngày 27/11/2023, danh sách cổ phiếu bị HoSE cắt margin gồm 87 mã chứng khoán, trong đó chủ yếu là những cổ phiếu quen thuộc, nhiều “cái tên” của doanh nghiệp lớn, hay những mã được nhiều nhà đầu tư quan tâm nằm trong diện bị cảnh báo hoặc kiểm soát như: NVL, HAG, ITA, ABS, AGM, APC, ASP, BCE, CIG, CKG, DAG, FDC, GMC, HVN, LDG, NVT, OGC, POM, SJF, TDH, TGG, TTF, TVB…Một số cổ phiếu thuộc diện hạn chế giao dịch hoặc đình chỉ giao dịch cũng bị cắt margin như IBC, HBC, HPX,…
Mặt khác, việc lợi nhuận sau thuế trên BCTC là số âm dẫn đến những cổ phiếu như DTL, DXS, DRH, FRT, GIL, HSG, QCG, SMC, TDC, TYA không được giao dịch ký quỹ.
Ba chứng chỉ quỹ mới niêm yết như: FUEBFVND, FUEMAVND, FUEFCV50 không được cấp margin do có thời gian niêm yết dưới 6 tháng.
Cần lưu ý rằng, theo quy định, nhà đầu tư sẽ không được sử dụng hạn mức tín dụng (đòn bẩy tài chính-margin) do công ty chứng khoán cấp để mua 87 mã cổ phiếu bị xếp vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ này.
Ngược lại, một số mã đã được giao dịch ký quỹ trở lại như: APG của CTCP Chứng khoán APG, VDS của Công ty chứng khoán Rồng Việt, NKG của Công ty Thép Nam Kim, VNL của CTCP Logistics Vinalink, VCA của CTCP Thép Vicasa - Vnsteel…
Bị cắt margin có thể coi là tín hiệu cảnh báo nhà đầu tư cần thận trọng?
Có nhiều nguyên nhân khiến cổ phiếu bị cắt margin. Chẳng hạn cổ phiếu gặp phải các vấn đề như: bị cảnh báo, bị kiểm soát, bị kiểm soát đặc biệt, bị tạm ngừng giao dịch hoặc bị hủy niêm yết. Ngoài ra, những doanh nghiệp không đáp ứng các tiêu chí về kiểm toán, báo cáo tài chính hợp nhất hay làm ăn thua lỗ… cũng bị đưa khỏi danh sách được cấp margin.
Margin (hay đòn bẩy tài chính) là việc vay tiền của công ty chứng khoán để đầu tư và tối ưu hiệu suất, công cụ này tạo cơ hội tăng lợi nhuận trong trường hợp thị giá cổ phiếu tăng cao hơn lãi suất vay margin mà nhà đầu tư trả cho công ty chứng khoán.
Một cổ phiếu khi bị đưa vào danh sách không được sử dụng margin, công ty chứng khoán sẽ loại cổ phiếu ra khỏi danh mục ký quỹ và nhà đầu tư sẽ không được phép giải ngân mới với cổ phiếu đó. Còn với các khoản vay còn hiệu lực (thời hạn một khoản vay tối đa 90 ngày), tùy thuộc vào giá trị các tài sản trong danh mục, công ty chứng khoán sẽ xác định nhà đầu tư có cần bổ sung thêm tài sản đảm bảo tỷ lệ ký quỹ duy trì hay không.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Agriseco cho hay, cổ phiếu bị cắt margin có thể coi là tín hiệu cảnh báo nhà đầu tư cần thận trọng với các doanh nghiệp đang gặp khó khăn bởi câu chuyện quản trị rủi ro.
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7119652128094482/?