Cụ thể, Chứng khoán APEC đã chậm công bố báo cáo tài chính bán niên năm 2023 đã được soát xét quá 5 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn công bố thông tin. Cùng với đó, tại Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 lợi nhuận sau thuế năm 2022 là số âm cũng là nguyên nhân khiến cổ phiếu APS bị cắt margin.
Theo tìm hiểu, vào năm 2006 Chứng khoán APEC được cấp phép hoạt động. Công ty cung cấp dịch vụ môi giới chứng khoán, dịch vụ lưu ký và cả tự doanh chứng khoán.
Cổ phiếu APS của CTCP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương bị đưa vào danh sách chứng khoán không được phép giao dịch ký quỹ. Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Cuối năm 2021, nhóm cổ phiếu "họ Apec" (gồm API, IDJ và APS) trở thành hiện tượng trên thị trường chứng khoán, chỉ sau thời gian ngắn ghi nhận mức tăng gấp nhiều lần. Thế nhưng sau nhịp tăng mạnh thì nhóm này lại đồng loạt điều chỉnh cùng đà giảm của thị trường.
Giá cổ phiếu APS bắt đầu rơi tự do sau khi Cơ quan An ninh điều tra - Công an Tp.Hà Nội ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại các công ty thuộc Apec Group vào ngày 23/6 vừa qua.
Được biết, Cơ quan An ninh điều tra vào ngày 28/6 đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 5 cá nhân về tội "Thao túng thị trường chứng khoán". Trong đó có Tổng Giám đốc APS là ông Nguyễn Đỗ Lăng, bà Huỳnh Thị Mai Dung (vợ ông Lăng), cùng với đó là ông Phạm Duy Hưng Chủ tịch HĐQT APS, bà Nguyễn Thị Thanh - Kế toán trưởng APS và Phạm Thị Đức Việt - Phó Phòng dịch vụ khách hàng.
Chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương hiện do ông Vũ Trọng Quân làm Chủ tịch HĐQT. Người phụ trách công bố thông tin là ông Nguyễn Quang Huy và bà Lã Thị Quy đảm nhiệm vị trí phụ trách kế toán.
Tổng quan tình hình tài chính, Chứng khoán APEC ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 233 tỷ đồng trong quý II/2023 (tăng 316% so với cùng kỳ năm 2022). Lợi nhuận kế toán sau thuế là 16 tỷ đồng (tăng 104%), con số này khả quan hơn so với mức lỗ 363 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm năm 2022.
Trong bối cảnh bức tranh kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm nay chưa thực sự khởi sắc, số lượng cổ phiếu bị cắt margin có thể còn tiếp tục kéo dài, còn nhiều doanh nghiệp lỗ lớn chưa công bố BCTC soát xét. Nhìn vào thống kê từ BCTC tự lập cho thấy, trong nửa đầu năm hàng trăm doanh nghiệp thua lỗ, trong đó những cái tên đáng chú ý là Novaland (NVL), Vietnam Airlines (HVN), Thép Pomina (POM), Thép SMC (SMC) hay Đạm Hà Bắc (DHB),... đã ghi nhận mức lỗ hàng trăm tỷ đồng sau 6 tháng.
Khi nào thì cổ phiếu bị cắt margin?
Có nhiều nguyên nhân khiến cổ phiếu bị cắt margin. Chẳng hạn cổ phiếu gặp phải các vấn đề như: bị cảnh báo, bị kiểm soát, bị kiểm soát đặc biệt, bị tạm ngừng giao dịch hoặc bị hủy niêm yết. Ngoài ra, những doanh nghiệp không đáp ứng các tiêu chí về kiểm toán, báo cáo tài chính hợp nhất hay làm ăn thua lỗ… cũng bị đưa khỏi danh sách được cấp margin.
Margin (hay đòn bẩy tài chính) là việc vay tiền của công ty chứng khoán để đầu tư và tối ưu hiệu suất, công cụ này tạo cơ hội tăng lợi nhuận trong trường hợp thị giá cổ phiếu tăng cao hơn lãi suất vay margin mà nhà đầu tư trả cho công ty chứng khoán.
Một cổ phiếu khi bị đưa vào danh sách không được sử dụng margin, công ty chứng khoán sẽ loại cổ phiếu ra khỏi danh mục ký quỹ và nhà đầu tư sẽ không được phép giải ngân mới với cổ phiếu đó. Còn với các khoản vay còn hiệu lực (thời hạn một khoản vay tối đa 90 ngày), tùy thuộc vào giá trị các tài sản trong danh mục, công ty chứng khoán sẽ xác định nhà đầu tư có cần bổ sung thêm tài sản đảm bảo tỷ lệ ký quỹ duy trì hay không.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Agriseco cho hay, cổ phiếu bị cắt margin có thể coi là tín hiệu cảnh báo nhà đầu tư cần thận trọng với các doanh nghiệp đang gặp khó khăn bởi câu chuyện quản trị rủi ro. Tuy vậy, có những doanh nghiệp chỉ gặp khó khăn tạm thời và cần thời gian để phục hồi. Nhà đầu tư cần tìm hiểu thêm về bên trong doanh nghiệp, chất lượng tài sản, giá trị nội tại, ban lãnh đạo… để có cái nhìn khách quan hơn. |
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6781281321931566/?