Xã Tam Đa có 3 thôn là Ngũ Phúc, Tam Đa và Cự Phú với dân số 5.815 người. Diện tích tự nhiên toàn xã chỉ có hơn 500 ha thì đất dành cho nông nghiệp đã chiểm gần 400 ha, trong khi đó số lượng các cơ quan, công ty, doanh nghiệp… đóng trên địa bàn xã là 361 đơn vị, số lao động người địa phương và người ngoài tỉnh đến làm việc, ăn ở, sinh hoạt hàng ngày tại xã lên tới cả chục ngàn người, do đó số lượng rác thải sinh hoạt là rất lớn.
Phân loại rác và xử lý rác hữu cơ ngay tại hộ gia đình
Nhận thức rõ điều đó nên từ năm 2016 đến nay, lãnh đạo chính quyền và các đoàn thể của xã Tam Đa đã chủ động kế hoạch, thực hiện chủ trương của tỉnh đề ra, mỗi hộ gia đình có một bể chứa xử lý rác hữu cơ sau khi được phân loại ngay tại nhà. Ban đầu nhiều hố đất được đào ngay trong vườn nhà của người dân, nhưng những trận mưa ngập đã khiến rác bị thối, hầm bị sập, ảnh hưởng đến chủ trương chung, do đó với kinh phí huyện và xã hỗ trợ 250.000 đồng/hộ gia đình, đến nay có 1.286/1.430 hộ đã xây bể gạch chứa rác hữu cơ và phun chế phẩm sinh học do phòng Tài nguyên&Môi trường huyện cung cấp.
Theo nhận định chung của chính các hộ gia đình tại xã Tam Đa thì lượng rác thải hữu cơ được phân loại xử lý, tái sử dụng để bón rau màu chiếm tới 70% tổng lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày, số rác vô cơ được gom riêng để công nhân môi trường xã chuyển chở đến điểm tập kết chung của xã. Bà Vũ Thị Quý ở xóm 10 thôn Ngũ Phúc phấn khởi cho biết: “Trước đây bà thường phải mua 100% lượng phân hóa học để bón cho lúa, rau, hoa của gia đình, thì nay bà chỉ mua những loại phân cần thiết,số lượng khoảng 30% so với trước, hoa và rau chất lượng lại đẹp, ngon, an toàn cho bữa ăn của cả nhà!”.
Đạt được thành tích như vậy là nhờ chính quyền, các đoàn thể và người dân xã Tam Đa đã tâm huyết, quyết tâm thực hiện tốt nhất chủ trương của tỉnh và của huyện đề ra. Tam Đa là một điển hình tiêu biểu mà chúng tôi (PV) được lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh giới thiệu khi ngỏ ý muốn tìm hiểu và viết bài về mô hình này ở Hưng Yên.
Phó Chủ tịch UBND xã Tam Đa, ông Trần Ngọc Đại cho biết: ”Việc phân loại và xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình giúp lượng rác thải giảm đáng kể, đặc biệt là rác hữu cơ dễ phân hủy, giúp cho môi trường xung quanh nơi ở bớt ô nhiễm, hạn chế được ruồi, muỗi. Dó đó lượng rác thải khó tiêu hủy cần mang ra khu tập kết ít hẳn, giúp giảm chi phí cho việc xử lý rác thải tại địa phương, nhưng điều quan trọng nhất đó là đã giúp người dân nâng cao được nhận thức về bảo vệ môi trường!”.
Phân loại rác và xử lý rác hữu cơ ngay tại hộ gia đình.
Phân loại rác và xử lý rác hữu cơ ngay tại hộ gia đình.
Đi trên những con đường rực rỡ nhiều sắc hoa tươi được trồng quanh các khu dân cư của xã Tam Đa, thanh bình và tươi mới, sạch sẽ không thấy dù chỉ một chiếc túi nilon hay một chai lọ nhựa, người dân Tam Đa tự hào và hạnh phúc với môi trường xanh, sạc,h đẹp mà chính bản thân mỗi người đang cùng nhau tham gia, gìn giữ hôm nay.